Giao dịch chứng khoán chiều 7/2: VN-Index lỗi hẹn mốc 1.500, cổ phiếu hàng không vẫn bay cao
Một số mã lớn, đặc biệt là VIC đã không cho VN-Index trở lại mốc 1.500 điểm khi đóng cửa phiên khai Xuân Nhâm Dần. Tuy nhiên, các mã bất động sản vừa và nhỏ, cùng cổ phiếu ngành hàng không và vận tải biển vẫn duy trì đà tăng mạnh mẽ.
Không nằm ngoài dự báo, sau một tuần nghỉ ngơi, tâm lý mua bán giá cao đầu năm lấy may đã giúp thị trường có phiên khai Xuân khá tưng bừng. Nhóm vận tải biển, hàng không, cùng các mã bất động sản nhỏ bị bán tháo trước đó đua nhau dậy sóng, đã kéo VN-Index tăng vọt hơn 18 điểm ngay khi mở cửa, qua đó tạo một gap lớn 14 điểm.
Đà tăng sau đó được nới rộng, giúp chỉ số vượt qua ngưỡng 1.500 điểm. Dù có chút rung lắc do ảnh hưởng của một số ít mã lớn, nhưng chốt phiên sáng, VN-Index vẫn giữ được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, đà tăng mạnh vẫn được duy trì trong ít phút đầu phiên, nhưng sau đó dần hạ độ cao trước sức ép lớn đến từ “anh cả” nhóm bất động sản VIC. Ngoài ra, với việc VN-Index đã tạo một gap lớn khiến nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn khi xuống tiền, thậm chí lực bán gia tăng ở nhóm ngân hàng trong đợt khớp ATC - vốn đã tăng tốt, tạo bệ đỡ cho thị trường trong đợt các mã đầu cơ bị bán tháo cuối năm Tân Sửu, đã khiến VN-Index hạ độ cao và để mất mốc 1.500 điểm.
Đóng cửa, VN-Index ghi nhận đà tăng khá mạnh với biên độ gần 1,3% và tiếp tục có phiên khai Xuân hứng khởi. Tuy nhiên, với việc gap lớn được tạo ra trong phiên hôm nay, thị trường có thể cần có các phiên điều chỉnh để lấp gap trong một vài phiên tới, để tạo đà vững chắc tiến lên chinh phục đỉnh cũ 1.530 điểm. Trong trường hợp thị trường vẫn tiếp tục đi lên, thì khi lấp lại gap này, sẽ tạo ra sự khó chịu không hề nhẹ với nhiều nhà đầu tư.
Đóng cửa, sàn HOSE có 382 mã tăng (65 mã trần) và 91 mã giảm (4 mã sàn), chỉ số VN-Index tăng 18,7 điểm (+1,26%) lên 1.497,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 578 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt gần 18.054 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 26,47 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt hơn 910 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu VIC là nhân tố chính khiến thị trường hạ nhiệt. Việc chi mạnh cho xe điện và tài trợ chống dịch khiến Vingroup lần đầu tiên có lợi nhuận âm trong năm 2021, có thể là nguyên nhân chính khiến VIC đi ngược xu thế chung của thị trường. Kết phiên, VIC giảm 6% xuống mức giá thấp nhất ngày 91.200 đồng/CP.
Bên cạnh VIC, các mã khác trong nhóm ngân hàng cũng nới rộng biên độ giảm như CTG giảm 1,6%, BID giảm 1,1%, VPB giảm 1%, TPB giảm 0,6%. Đây cũng là các cổ phiếu trong nhóm VN30 để mất điểm trong phiên hôm nay.
Trái lại, cổ phiếu đại diện cho ngành hàng không là VJC đã kéo trần thành công và kết phiên tăng 7% lên mức giá 130.400 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động với hơn 1 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan nhưng với tình hình mở cửa nền kinh tế, nhu cầu đi lại tăng mạnh khiến các cổ phiếu ngành hàng không và vận tải biển đua nhau tăng tốc. Ngoài VJC, HVN, AST hay GMD, HAH, VOS đồng loạt khoe sắc tím.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác trong nhóm VN30 cũng có phiên khai Xuân khởi sắc như GAS tăng 5,2% lên 114.700 đồng/CP, PLX tăng 4,6% lên 58.700 đồng/CP, VCB tăng 3,8% lên 92.400 đồng/CP, GVR và PNJ cùng tăng 3,2%, VHM tăng 2,4%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím lan rộng hơn với điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu FLC cũng đồng loạt tăng trần với lượng dư mua trần chất đống. Trong đó, FLC khớp gần 25,44 triệu đơn vị và dư mua trần 12,85 triệu đơn vị; ROS khớp 12,52 triệu đơn vị và dư mua trần 3,31 triệu đơn vị, AMD dư mua trần gần 2 triệu đơn vị, HAI dư mua trần hơn 0,62 triệu đơn vị. Các mã nóng khác như LDG, JVC, TGG, IDI, SJF, QBS… cũng tăng hết biên độ.
Xét về nhóm ngành, ngoài hàng không và vận tải biển, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm đáng chú ý của thị trường với sắc xanh phủ kín toàn ngành. Ngoài FTS tăng trần, IVS và VIG tăng sát trần, còn lại tăng khá tốt với các mã đầu ngành như HCm tăng 3,6%, SSI tăng 1,8%, VCI tăng 4,6%, VND tăng 2%...
Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi đồng loạt đều hồi phục khá tốt với TLH tăng trần, HPG tăng 2%, HSG tăng 5,1%, NKG tăng 4,5%, SMC tăng 4,7%, POM tăng 2,7%.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi mã đầu ngành là VCB tăng tốc, thì nhiều mã khác lại quay mốc tham chiếu như TCB và SSB, hay giảm sâu hơn như EIB để mất hơn 4%, BID và CTG cùng giảm hơn 1%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa với đà tăng mạnh mẽ trở lại với top vừa và nhỏ khi hàng loạt mã như ITA, LDG, FLC, ROS, QCG, SCR… cũng tăng trần, trong khi VIC giảm khá sâu, DIG và DPG cùng giảm sàn.
Cặp đôi trong ngành là BCG và TCH cùng giữ đà tăng khá tốt. Bên cạnh TCH tăng 3,5% lên mức 20.450 đồng/Cp và khớp 3,21 triệu đơn vị, BCG tăng 4,1% lên 22.600 đồng/CP và khớp hơn 1,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, gánh nặng gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip với sự suy yếu của cổ phiếu bất động sản CEO và mã bank NVB khiến HNX-Index thu hẹp biên độ và để mất mốc 420 điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 197 mã tăng (27 mã trần) và 48 mã giảm (5 mã sàn), chỉ số HNX-Index tăng 2,59 điểm (+0,62%) lên 419,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,32 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 86,18 tỷ đồng.
Sau khi quay đầu điều chỉnh nhẹ ở phiên sáng, lực bán gia tăng mạnh đã khiến CEO kết phiên đứng tại mức giá sàn 55.800 đồng/CP, giảm 10%. Ngoài ra, cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản và xây dựng là L14 cũng đảo chiều nằm sàn.
Bên cạnh cặp đôi CEO và L14, một mã lớn khác gia tăng sức ép lên thị trường là NVB. Áp lực bán khá lớn về cuối phiên khiến NVB lùi về mức giá thấp nhất ngày khi để mất 3,1%, kết phiên đứng tại giá 31.000 đồng/CP.
Trái lại, trong nhóm HNX30 có VMC và NBC tăng trần. Đáng kể các mã lớn tăng tốt có PVS tăng 6,6% lên 28.900 đồng/CP, VCS tăng 3,6% lên 108.000 đồng/CP, SHS tăng 2,8%, IDC tăng 1%... Trong đó, PVS vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với gần 6,85 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã cũng đua nhau tăng trần như DL1, BII, AAV…, và thành viên nhà FLC là KLF vẫn giữ sắc tím với thanh khoản đạt gần 6 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường tăng khá ổn định. Kết phiên, UPCoM-Index tăng 1,07 điểm (+0,97%) lên 110,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 51 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 1.153,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ với gần 5 tỷ đồng.
Bộ đôi BSR và OIL tô điểm thêm cho nhóm cổ phiếu dầu khí, với BSR tăng 8,9% lên mức 27.000 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội lên tới hơn 18,6 triệu đơn vị, trong khi OIL tăng 6,3% lên 18.500 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành hàng không là ACV cũng có phiên khai Xuân tăng mạnh mẽ khi có thời điểm được kéo sát trần. Kết phiên, ACV tăng 7,4% lên mức giá 93.300 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG vẫn duy trì đà tăng trần với khối lượng giao dịch đạt hơn 2,4 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai tăng nhẹ, trong đó VN30F2202 đáo hạn tháng 2 tăng 4,8 điểm (+0,3%) lên 1.532,8 điểm với 83.370 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở gần 21.650 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó CVRE2109 dẫn đầu thanh khoản với 168.300 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 11,5% lên 1.840 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVRE2110 khớp 153.820 đơn vị và kết phiên tăng 1,1% lên 940 đồng/CQ.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-7-2-vn-index-loi-hen-moc-1-500-co-phieu-hang-khong-van-bay-cao-post290791.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán