Giao dịch chứng khoán phiên chiều 10/2: Níu giữ sắc xanh

Thứ năm, ngày 10 tháng 2 năm 2022 | 16:49

Thị trường phiên này tiếp tục níu giữ được sắc xanh dù dòng tiền sụt giảm và sắc đỏ chiếm ưu thế, đặc biệt là sức ép từ cặp đôi VIC-VHM.

Thị trường bước vào phiên chiều với lực bán gia tăng và VN-Index lùi về dưới 1.500 điểm khi chịu sức ép rất lớn từ cặp đôi VIC-VHM. Tưởng chừng lực cầu đầu phiên sáng qua sẽ giúp VIC chặn được đà rơi, nhưng áp lực bán mạnh tiếp tục kéo "ông lớn" này tiếp tục giảm sâu, xuống mức thấp nhất hơn 15 tháng trước khi hãm đà rơi trở lại cuối phiên.

Sau phiên lao mạnh đầu năm mới Nhâm Dần 2022, VIC đã có 4 phiên giảm liên tiếp với dải dưới bolliger band mở rộng. Tuy nhiên, điểm tích cực là trong 4 phiên này thanh khoản VIC tăng mạnh, nhất là phiên hôm qua và hôm nay, cho thấy lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực.

Với việc VIC hãm đà rơi, cùng với sự trở lại của nhóm dầu khí và hỗ trợ từ VCB và một số mã bluechip khác, VN-Index một lần nữa thoát hiểm với sắc xanh nhạt, ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp của năm Nhâm Dần.

Sự tích cực của phiên hôm nay còn đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí và xăng dầu. Những căng thẳng tại Đông Âu và mùa đông lạnh giá khiến nỗ lực hạ nhiệt giá dầu chưa thành công, thông tin giá xăng trong nước có khả năng tăng tiếp vào ngày mai đã hỗ trợ nhóm cổ phiếu này tăng điểm khá tốt.

GAS dẫn đầu nhóm, và cũng là mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index. Nhóm phân phối và chế biến xăng dầu ngoài động lực từ giá còn có thêm trợ lực từ nhu cầu xăng dầu tăng cao nhờ chiến lược thích ứng linh hoạt, mở cửa lại hàng không, xe bus công cộng...., PLX có chuỗi phiên tăng ấn tượng đã lan động lực sang OIL tăng điểm tốt vào cuối phiên, BSR đã lập đỉnh giá mới của mình trên 27.000 đồng/CP.

Với các phiên nhích nhẹ từ thứ Ba đến nay, VN-Index vẫn chưa lấp gap đã tạo ra trong phiên đầu năm mới Nhâm Dần.

Một điểm đáng chú ý nữa là dòng tiền sau khi chảy mạnh phiên hôm qua, đã sụt giảm trở lại trong phiên hôm nay, cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi cơ hội.

Chốt phiên, sàn HOSE có 209 mã tăng và 226 mã giảm, VN-Index tăng 1,41 điểm (+0,09%), lên 1.506,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 680,2 triệu đơn vị, giá trị 21.946,1 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,3 triệu đơn vị, giá trị 1.830,5 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng, với EIB có 20 triệu cổ phiếu ở giá sàn, trị giá 648 tỷ đồng, 5 triệu cổ phiếu HDB giá tham chiếu ,trị giá 158 tỷ đồng, ACB với hơn 7,37 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 260 tỷ đồng, SHB với hơn 5,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 123,8 tỷ đồng.

Như đã đề cập, cổ phiếu VIC là gánh nặng lớn, có thời điểm giảm 4,6%, nhưng đóng cửa chỉ còn -2% xuống 84.000 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị.

Ở các mã giảm khác trong nhóm bluechip, cổ phiếu liên quan là VHM đứng ngay sau, mất 1,7% xuống 80.100 đồng. Tiếp theo là VJC -1,5% xuống 133.000 đồng, SSI -1,3% xuống 45.100 đồng.

Phần còn lại với những ACB, HDB, MWG, NVL, TPB, STB, BVH, HPG, VPB giảm nhẹ từ 0,1% đến 1,1%.

Ở chiều ngược lại, xuất sắc nhất là POW khi +4,2% lên 18.550 đồng, khớp 30,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu SAB +2,1% lên 157.000 đồng, MSN +2% lên 149.600 đồng và cặp đôi dầu khí PLX +1,9%, GAS +1,8%.

Các cổ phiếu khác là VRE, VCB, CTG, MBB, FPT, GVR nhích từ 0,3% đến 1,5%.

Thanh khoản nhóm ngân hàng vượt trội, với STB khớp gần 34 triệu đơn vị và cũng là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất trên HOSE, MBB khớp gần 27 triệu đơn vị, VPB khớp 15,3 triệu đơn vị, TCB khớp 11,2 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 8,9 triệu đơn vị, ACB khớp hơn 7,6 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, diễn biến không quá nhiều thay đổi so với cuối phiên sáng, khi có sự phân hóa cao và đa phần chỉ tăng, giảm nhẹ trên dưới 1,5%.

Theo đó, sắc xanh phủ ROS, CII, KBC, LDG, AAA, SCR, FCN, HHV, LCG, HBC, DLG…trong đó, CII vượt trội hơn khi +3,1% lên 28.450 đồng.

Trái lại, FLC, GEX, DXG, TCH, VCG, TSC, FIT, IDJ giảm điểm, khớp từ 1,76 triệu đến hơn 9,45 triệu đơn vị, riêng FLC khớp hơn 16,4 triệu đơn vị, giảm 2,1% xuống 11.800 đồng.

Không ít cũng đã dừng chân ở tham chiếu như ITA, HQC, SBT, HHS, KDC, SAM, EVG, CRE…

Cặp đôi đáng chú ý là HAG-HNG, với HAG chỉ còn +1,6% lên 12.650 đồng, còn HNG giữ được mức tăng khá +3,5% lên 9.800 đồng, khớp lần lượt 15,5 triệu và 12,8 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu phân bón lớn là DCM và DPM có phiên khá tích cực với DCM +3,7% lên 29.750 đồng, DPM +2,7% lên 45.000 đồng.

Một số cổ phiếu có sức bật tốt từ đầu phiên là QBS, DIG, APH, PXI, PTC tiếp tục giữ mức giá trần và trong phiên chiều còn có thêm TGG, TVS, DAG, LCM, cùng NBB tiến sát giá trần +6,7% lên 30.900 đồng.

Tương tự, một số cổ phiếu công ty chứng khoán bứt hẳn lên, ngoài TVS tăng trần kể trên thì VDS +4,2% lên 37.000 đồng, BSI +2,9% lên 41.500 đồng, còn lại chỉ biến động nhẹ.

Nhóm thép hạ nhiệt, ngoài HPG -0,6% thì HSG -0,1%, TLH -3%, POM -1,7%, SMC -1,6% và NKG là cổ phiếu ngược dòng, +2% lên 38.250 đồng.

Tân binh PGV nhích thêm đôi chút so với cuối phiên sáng, đóng cửa +6,3% lên 42.000 đồng, khớp 0,18 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ đôi chút so với mức điểm cuối phiên sáng và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HNX có 101 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 4,04 điểm (+0,95%), lên 428,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,3 triệu đơn vị, giá trị 1.695,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,14 triệu đơn vị, giá trị 99,2 tỷ đồng.

Giao dịch tích cực nhất ở các cổ phiếu CEO, L14, IDJ, LAS khi đều vọt lên giá trần khi kết phiên, với CEO khớp hơn 5,5 triệu đơn vị, IDJ khớp 2,26 triệu đơn vị, LAS khớp 1,23 triệu đơn vị.

Cùng với đó là IDC +4,5% lên 67.900 đồng, APS +6,5% lên 31.300 đồng, NSH +6,3% lên 13.400 đồng, LIG +3,7% lên 14.100 đồng, TAR +2,8% lên 36.500 đồng, TNG +2% lên 31.200 đồng,

Các cổ phiếu PVS, KLF, HUT, BII, PVC, DL1 xanh nhạt, với PVS vươn lên dẫn đầu thanh khoản sàn HNX khi khớp 5,55 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, SHS, EVS, NDN, TVC, PVL, AMV, VCS, NVB, BVS giảm điểm, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co nhẹ quanh mức điểm cuối phiên sáng, nhưng đột ngột vọt lên trong khoảng 30 phút cuối phiên và leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Hàng loạt cổ phiếu nới đà tăng, như BSR +3% lên 27.300 đồng, ABB +7,1% lên 18.200 đồng, PAS +7,7% lên 22.500 đồng, OIL +3,4% lên 18.400 đồng, VHG +4,7% lên 9.000 đồng, C4G +2% lên 20.800 đồng, VGT +2% lên 25.700 đồng.

Tất cả các mã trên đều thuộc top thanh khoản cao nhất, với BSR dẫn đầu khi khớp 14,8 triệu đơn vị, ABB khớp 7,92 triệu đơn vị, C4G khớp 5,97 triệu đơn vị, PAS khớp 3,2 triệu đơn vị…

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,57%), lên 112,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,3 triệu đơn vị, giá trị 1.408,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,52 triệu đơn vị, giá trị 33 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, duy nhất VN30F2202 đáo hạn gần nhất tăng điểm. Kết phiên tăng nhẹ 1,5 điểm (+0,1%), lên 1.542,5 điểm, khớp hơn 129.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át. Trong đó, 7 mã có thanh khoản cao nhất, từ hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh đến 1,93 triệu đơn vị thì duy nhất CVRE2109 tăng, nhưng cũng chỉ +0,5% lên 1.760 đồng/cq.

Các mã còn lại là CVHM2115, CHPG2202, CSTB2201, CSTB2109, CVIC2109 và CHPG2201 đều giảm.

Nguồn Tinnhanchungkhoan.vn

https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-10-2-niu-giu-sac-xanh-post290983.html