Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/1: FLC vẫn là điểm nóng với rủi ro tạo hiệu ứng domino
Sức ép từ một số cổ phiếu lớn và lực bán chốt lời diện rộng đã khiến VN-Index thêm một phiên giảm sâu. Tuy vậy, sự chú ý phiên này không giành quá nhiều cho điểm số, mà là diễn biến tại nhóm cổ phiếu FLC, khi khối lượng giao dịch với chỉ 4 mã đã chiếm gần 25% toàn sàn HOSE.
Thị trường bước vào phiên chiều với dòng tiền bắt đáy mạnh hơn, dù chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ với tâm điểm vẫn là dòng bất động sản, xây dựng đã giúp VN-Index trồi lên trên 1.510 điểm.
Tuy vậy, sức ép ở nhóm bluechip ngày một lớn đã khiến chỉ số dần hạ nhiệt và bất ngờ có nhịp rơi nhanh và mạnh xuống dưới 1.490 điểm.
Tại đây, lệnh mua lại ồ ạt được tung vào, kéo VN-Index bật lên nhanh chóng, dù vậy, chỉ vừa chớm chạm gần mốc tâm lý 1.500 điểm, áp lực bán lại gia tăng đẩy chỉ số thoái lui về gần 1.490 điểm khi đóng cửa.
Câu chuyện thị trường ngày hôm nay tất nhiên vẫn là của nhóm cổ phiếu FLC.
Thông tin thì đã đăng tải rất nhiều, nhưng mức độ được đẩy lên nóng vì câu chuyện này không chỉ là của riêng FLC. Cú "dội bom" ngày hôm qua với việc đưa cổ phiếu này từ giá trần về giá sàn, tiếp nối thêm phiên về giá sát sàn ngày hôm nay nữa có thể tạo hiệu ứng dây chuyền với nhóm cổ phiếu bất động sản.
Đây là nhóm cổ phiếu chiếm hơn 20% tỷ trọng toàn thị trường và chỉ thua kém nhóm ngân hàng, quan trọng hơn, nhóm này hút dòng tiền nóng rất lớn toàn thị trường trong hơn 1 tháng qua. Cú treo bảng của HOSE đột ngột và cú sụt đầy bất ngờ của FLC, có thể tạo ra hiệu ứng bán tháo với nhóm cổ phiếu bất động sản, dù điều này chưa thể hiện rõ trong phiên hôm nay nay. Nếu xảy ra, hệ lụy sẽ là không nhỏ, quan trọng nhất là niềm tin với thị trường chứng khoán của nhà đầu tư giảm sút. Dòng tiền đứng ngoài thì đỉnh của VN-Index 1.536 điểm có thể còn lâu mới được tái lập và vượt qua.
Phiên hôm nay, thị trường thêm phiên giảm sâu với thanh khoản cao đưa các chỉ số kỹ thuật của thị trường trở lên xấu hơn. VN-Index đóng cửa vẫn trụ được trên đường MA20 (1.491,51 điểm) là tín hiệu tích cực nhất, ngưỡng cản mạnh 1.480 điểm cũng đã rất gần mở ra hy vọng thị trường sẽ không giảm sâu trong các phiên tới.
Tuy nhiên, VN30-Index của các cổ phiếu lớn thì không được lạc quan như vậy, sau phiên hôm qua xuyên quan đường MA20, hôm nay tiếp tục xuyên thủng về nằm dưới mây ichimoku, dải Bolinger Bands có dấu hiệu mở rộng báo đà sụt giảm còn có thể tiếp diễn. Nhóm cổ phiếu lớn vốn luôn thể hiện đúng lúc giai đoạn vừa qua để hỗ trợ thị trường thì 2 phiên liên tiếp tiếp vừa qua đã không làm được điều đó.
Điều mà thị trường thiếu ở giai đoạn hiện tại là nhóm dẫn dắt, nếu nhóm cổ phiếu bất động sản dính hiệu ứng "domino" từ FLC thì chưa thấy nhóm nào có khả năng dẫn dắt thị trường thời gian tới.
Có một thông tin lạc quan về mặt vĩ mô đó là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tác động tổng thể của gói này với thị trường chứng khoán chắc chắn là tích cực, tuy nhiên, tích cực với mã nào cụ thể thì vẫn cần phải chờ thêm thời gian khi gói này được triển khai thời gian tới.
Chốt phiên, sàn HOSE có 122 mã tăng (21 mã tăng trần) và 346 mã giảm (15 mã giảm sàn), VN-Index giảm 11,40 điểm (-0,76%), xuống 1.492,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.251,4 triệu đơn vị, giá trị 35.994,3 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,9 triệu đơn vị, giá trị 1.315,9 tỷ đồng.
Áp lực chính ở nhóm vốn hóa lớn, với cặp đôi nhà VIC, VHM cùng MSN là những gánh nặng chính, khi kéo lùi gần 6 điểm tiêu cực đến VN-Index.
Theo đó, MSN -5,3% xuống 144.900 đồng và là cổ phiếu giảm sâu nhất trong rổ VN30. Còn VHM -2,1% xuống 83.600 đồng và VIC -1,3% xuống 101.000 đồng.
Ngoài ra, không ít bluechip khác cũng nới đà giảm tạo thêm áp lực, như SSI -2,9% xuống 48.100 đồng, FPT -2,7% xuống 89.500 đồng, GVR -2,4% xuống 36.800 đồng, VRE -2,3% xuống 34.200 đồng, KDH -2% xuống 53.000 đồng, cùng nhiều sắc đỏ khác tại HPG, POW, BVH, PDR và nhóm ngân hàng VCB, VPB, MBB, ACB, HDB, TPB, CTG.
Ở chiều ngược lại, STB là mã tăng tốt nhất, nhưng cũng chỉ +2,7% lên 32.4500 đồng, BID theo sau với mức tăng 1,4% lên 39.400 đồng, GAS +1,3%, PNJ +1% còn NVL và SAB xanh nhạt.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu thuộc nhà FLC, với FLC, ROS, AMD, HAI phiên này tổng cộng khớp lệnh gần 300 triệu đơn vị, chiếm tới gần 1/4 tổng khối lượng khớp lệnh toàn sàn HOSE.
Trong đó, FLC tiếp tục phá kỷ lục của phiên hôm qua với gần 155 triệu đơn vị khớp lệnh. Giá cổ phiếu biến động mạnh, khi mở cửa giảm sàn, liên tục trồi sụt trong phiên sáng ở gần mức giá này.
Bất ngờ xảy ra trong đầu phiên chiều, khi nhiều nhà đầu tư đã chọn phương án bắt đáy, khiến cổ phiếu này có hai nhịp tăng nhanh lên vùng giá xanh, trước khi bị đẩy mạnh trở lại vào cuối phiên, dù thoát giá sàn, nhưng vẫn giảm mạnh 5,91% xuống 19.900 đồng.
Còn ROS khớp hơn 98,6 triệu đơn vị, cũng chỉ kém hơn đôi chút phiên kỷ lục hơn 101,7 triệu đơn vị khớp lệnh ngày 14/6/2021. Dù vậy, diễn biến lại trái ngược, khi phiên đó ROS đã tăng kịch trần, còn phiên hôm nay là giảm sàn -6,7% xuống 13.900 đồng.
Hai cổ phiếu liên quan là AMD và HAI cũng giảm sàn về 9.580 đồng và 9.210 đồng.
Diễn biến trái ngược ở một số cổ phiếu, khi gia nhập nhóm cổ phiếu tăng hết biên độ và cũng như phiên sáng, khi đa số là các mã bất động sản, xây dựng với LCG, NBB, AGG, TNA, BCM, SGR, TIP, LDG, TDC, VPH, HCD, ACC, PTC, KSB và DIG.
Tăng mạnh khác còn phải kể đến QCG +6,7%, FCN +6,6%, CTI +6,3%, CII +5%, NHA +4%, LHG +3,3%, SCR +3,1%, VCG +3,1%...
Trong đó, thanh khoản lớn tại LDG với hơn 21,8 triệu đơn vị khớp lệnh, CII khớp hơn 16,3 triệu đơn vị, LCG khớp 14,4 triệu đơn vị, VCG khớp hơn 12,7 triệu đơn vị, FCN khớp hơn 7,8 triệu đơn vị, TDC khớp hơn 6,3 triệu đơn vị, DIG khớp 5,8 triệu đơn vị, NBB khớp 5,4 triệu đơn vị…
Trái lại, bị chốt lời và giảm sâu cũng không ít, ngoài nhóm nhà FLC thì HAR, CKG, FRT, VRC, QBS, FIT, YEG, NVT, JVC cũng đã giảm sàn.
Còn KBC -6,8%, FTM -6,8%, MCG -6,4%, AAA -5,9%, TNI -5,7%, CRE -5,7%, TDG -5,7%...các cổ phiếu HHS, HQC, PAN, DHA, EVG, OGC giảm từ gần 5% đến hơn 5,6%.
Về nhóm ngành, phiên này nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán chịu thiệt hại lớn nhất, khi đa số đều góp mặt trong các mã giảm sâu nhất, ngoài SSI -2,9% thì CTS -5,9%, VND -5,4%, FTS -5,4%, VCI -5,3%, HCM -4%, ORS -2,9%, VIX -2,6%, BSI -2,5%...
Trên sàn HNX, diễn biến tương đồng, khi HNX-Index bật khá mạnh ngay khi giao dịch trở lại và dần thoái lui và rơi nhanh sau đó về dưới tham chiếu, trước khi nảy lên, thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 79 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index giảm 1,28 điểm (-0,26%), xuống 481,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 138,1 triệu đơn vị, giá trị 3.874 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 130,4 tỷ đồng.
Phiên này, CEO là trụ đỡ chính, sau khi tăng hơn 5% trong phiên sáng, đã tăng tốc và vọt lên mức giá trần trong phiên chiều, +10% lên 91.600 đồng, khớp hơn 9,3 triệu đơn vị.
Một vài sắc xanh lác đác khác tại S99 +4,6% lên 25.200 đồng, PLC +5,8% lên 50.800 đồng, DST +2,2% lên 13.900 đồng, và cổ phiếu L14, khi đứng vững ở giá trần +10% lên 414.700 đồng.
Trái lại, KLF và ART, hai cổ phiếu liên quan đến FLC đều giảm sàn về 9.500 đồng và 15.200 đồng, thanh khoản cũng dẫn đầu HNX với 24,9 triệu và 12,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Còn lại cũng đều chìm trong sắc đỏ, với một số giảm khá mạnh như SHS -4,1% xuống 47.100 đồng, DL1 -6,8% xuống 15.000 đồng, PVL -5% xuống 18.900 đồng, TVC -5,4% xuống 21.100 đồng, IDC -3,4% xuống 77.200 đồng…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index may mắn kết phiên tăng điểm, khi trước đó cũng chịu áp lực lớn sau khi đã có nhịp nảy mạnh ở ngay đầu giờ chiều.
Tương tự phiên sáng, một vài sắc xanh còn lác đác tại VHG +0,7% lên 14.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 18,67 triệu đơn vị.
Còn lại đều giảm, với BSR, VGT, C4G, SBS, OIL, BVB, QTP mất trên dưới 3%, khớp từ 2,1 triệu đến 9,3 triệu đơn vị.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,21%), lên 114,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,8 triệu đơn vị, giá trị 2.063,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,1 triệu đơn vị, giá trị 282,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó, VN30F2201 mất 9,5 điểm (-0,63%), xuống 1.503,6 điểm, khớp lệnh hơn 129.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, nhưng mã thanh khoản tốt nhất hôm nay với 1,56 triệu đơn vị khớp lệnh là CSTB2110 lại tăng, +4,1% lên 770 đồng/cq.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-11-1-flc-van-la-diem-nong-voi-rui-ro-tao-hieu-ung-domino-post289206.html
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững