Giao dịch chứng khoán phiên sáng 11/1: Tâm điểm nhóm cổ phiếu FLC
Câu chuyện về cổ phiếu FLC từ chiều muộn ngày hôm qua đang trở thành tâm điểm của thị trường.
Trong phiên hôm qua, FLC là điểm nhấn cần phải kể đến, khi ghi nhận kỷ lục cho lịch sử giao dịch của mình, hơn 134 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 20% tổng số cổ phiếu lưu hành (710 triệu cổ phiếu) đã được sang tay trong chỉ một ngày.
Giá cổ phiếu từ mức trần 24.100 đồng, có thời điểm đã về giá sàn 21.000 đồng, tức là mất tới 14% thị giá cũng trong chỉ 1 phiên.
Việc cổ phiếu FLC "quay xe" trong phiên hôm qua được cho xuất phát từ thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC đăng ký bán ra 175 triệu cổ phiếu từ 10/1 đến 17/1, theo văn bản công bố từ FLC được ông Quyết ký vào ngày 5/1, nhưng không thấy trên website của HOSE.
Cho đến sáng nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, chiều ngày 10/01/2022 (17 giờ 45 phút), Ủy ban mới nhận được Báo cáo đề ngày 10/01/2022 của HOSE về việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Đối với thị trường chung, phiên giảm điểm hôm nay là khá đáng ngại với thanh khoản cao và điểm số VN-Index mất đi khá lớn.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thị trường chưa quá xấu, VN-Index đang được hỗ trợ ở vùng đỉnh cũ 1.500 điểm, đường giá MA20 chưa bị vi phạm.
Nhóm mã lớn, VN30-Index đã xuyên qua đường MA20, nhưng đang nằm ở trên vùng hỗ trợ cứng 1.505 (+/-), nên đà rơi có thể sẽ không còn quá mạnh.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 11/1, thêm một lần, cổ phiếu FLC và nhóm liên quan là ROS, AMD, HAI lại phải nhắc đến, khi 3 trong 4 mã chiếm trọn các vị trí dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE ngay từ sớm và giá cổ phiếu giảm rất mạnh, thậm chí đã có thời điểm giảm sàn, trong đó FLC khớp tới gần 70 triệu đơn vị chỉ sau hơn một giờ giao dịch.
Không chỉ họ FLC, mà sức ép cũng gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ do lực bán chốt lời mạnh, trong khi đó nhóm bluechip lại có sự phân hóa, khiến VN-Index giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp.
“Hiện tượng” nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng đua nhau tăng trần cũng đã ngừng lại, khi nhà đầu tư có vẻ chùn tay sau phiên giảm sâu hôm qua và cả câu chuyện cổ phiếu FLC gây thêm sự không chắc chắn.
Thông tin về FLC chưa có hồi kết, khi mới đây, ông Trịnh Văn Quyết đã có thông báo giải trình.
Theo đó, ông Quyết cho biết, đã giao bộ phận thư ký gửi bộ phận Công bố thông tin của Tập đoàn FLC về thông báo bán 175 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 4/1, nhưng do sơ suất trong quá trình xử lý nên văn bản chưa được gửi tới các cơ quan chức năng như đúng thủ tục.
Quay trở lại với thị trường chung. Giao dịch vẫn tiếp tục giằng co là chủ đạo trong suốt cả phiên do sự phân hóa ngày một rõ nét ở khắp các nhóm ngành, VN-Index kết phiên tạm thời nhích nhẹ lên trên 1.505 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 155 mã tăng và 284 mã giảm, VN-Index tăng 2,64 điểm (+0,18%), lên 1.506,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 668,2 triệu đơn vị, giá trị 18.299,6 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,5 triệu đơn vị, giá trị 679 tỷ đồng.
Nhóm bluechip trong rổ VN30 phân hóa rất mạnh với 12 mã tăng, 13 mã giảm và 5 cổ phiếu đứng tham chiếu, là tác nhân chính khiến thị trường rung lắc, giằng co.
Dù vậy, phần lớn chỉ biến động nhẹ với biên độ trên dưới 1%, trừ hai cổ phiếu xanh là STB +4,1% lên 32.900 đồng, khớp hơn 20,2 triệu đơn vị và GAS +2% lên 104.000 đồng, khớp 0,4 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhà FLC bị bán mạnh, với FLC và ROS thanh khoản cao nhất sàn với 84,7 triệu và 64,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong đó, FLC -5,9% xuống 19.900 đồng và ROS giảm sàn -6,7% xuống 13.900 đồng và trắng bên mua.
Dù giảm mạnh, nhưng lệnh mua FLC vẫn rất cao trong phiên, nhưng cũng nhiều lần tiềm ẩn rủi ro, khi có thời điểm mã này đã có hơn 30 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn.
Hai cổ phiếu liên quan là AMD và HAI cũng giảm sâu, với HAI giảm sàn -7% xuống 9.210 đồng, khớp hơn 11,6 triệu đơn vị, còn AMD -6,3% xuống 9.650 đồng, dù có lúc cũng đã về giá sàn, khớp hơn 18,3 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, VRC, NVT cũng là những cổ phiếu giảm giá đáng kể khi đã lau sàn. Cùng với đó là đà giảm mạnh khác tại YEG -6,4%, CKG -6%, MCG -5%, ADS -5%, HTN -4,4%, FRT -4,3%, HAR -4%.
Mất từ 3% đến 4% còn có QBS, PTC, TEG, DAG, KMR, QCG, TNI, OGC, CVT, PXI…
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, HQC, SCR, HNG, KBC, DLG, TTF, FIT, AAA, JVC, HHS, DCM, ASM…cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng phần lớn may mắn chỉ giảm nhẹ, khớp từ 3 triệu đến 19 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, một số giữ được sức hút và tăng mạnh như TNA, SGR, TIP, HCD, HSL, khi đều có giá trần, khớp từ 1 triệu đến hơn 2 triệu đơn vị.
Cùng với đó là các cổ phiếu tăng mạnh khác với chủ yếu là các mã bất động sản, xây dựng như DIG +6,6% lên 119.400 đồng, BCM +6,5% lên 74.900 đồng, FCN +6% lên 34.400 đồng, ACC +5,6% lên 23.600 đồng, LDG +5,5% lên 26.800 đồng, VCG +4,2% lên 54.200 đồng, LCG +4,2% lên 24.700 đồng…
Các cổ phiếu khác như HAG, GEX, ITA, CII, DXG, TCH, HBC, DPM, IJC, TDC cũng kết phiên tăng điểm, nhưng mức tăng phần lớn trên dưới 2%, khớp từ 3,1 triệu đến 16,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, không có nhiều khác biệt như trên HOSE, khi HNX-Index cũng chủ yếu là giao dịch giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu trong suốt cả phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 76 mã tăng và 130 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,08%), lên 483,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,2 triệu đơn vị, giá trị 2.074,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,62 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao chùm bảng điện tử. Trong đó, 30 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thì lác đác sắc xanh tại CEO +5,3% lên 87.700 đồng, PLC +6,9% lên 51.300 đồng, VC7 +2,4% lên 30.100 đồng, còn PVS chỉ +0,4%, VIG +0,6%.
Trong các mã giảm, KLF đáng kể nhất khi giảm sàn -9,5% xuống 9.500 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 20,2 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là CEO với chỉ 5,75 triệu đơn vị.
Không ít mã cũng giảm sâu như DL1 -3,1%, PVL -5%, TTH -4,3%, CTC -5,7%, LAS -3,2%, ITQ -3,5%, IDC -2,5%... Trong khi đó, SHS, HUT, TNG, TAR, MBS, SRA, IDJ đều về tham chiếu.
Đáng chú ý, cổ phiếu L14 tiếp tục ngược dòng thị trường, khi vẫn tăng trần +10% lên 414.700 đồng, khớp lệnh hơn 132.000 đơn vị.
Trên UpCoM, điểm số UpCoM-Index diễn biến tích cực khi phần lớn thời gian ở trên tham chiếu, nhưng diễn biến giá cổ phiếu ở nhóm thanh khoản cao nhất lại có sự trái ngược.
Theo đó, chỉ còn một vài cổ phiếu xanh như DTE, SGB, HRT và BVB, VCR đứng tham chiếu.
Còn lại gần 40 cổ phiếu khớp lệnh cao nhất đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, VHG -2,1% xuống 13.700 đồng, khớp lệnh dẫn đầu với hơn 13 triệu đơn vị, BSR -1,7% xuống 23.300 đồng, VGT -3,4% xuống 28.500 đồng…
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,49%), lên 114,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,7 triệu đơn vị, giá trị 1.000,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 60,6 tỷ đồng.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-11-1-tam-diem-nhom-co-phieu-flc-post289182.html
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững