Giao dịch chứng khoán phiên sáng 24/2: Súng nổ trời Âu, chứng khoán Việt Nam rung chuyển
Thông tin việc Tổng thống Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở đông Ukraine khiến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu rung chuyển, trong đó chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong phiên hôm qua, sự khởi sắc của nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản giúp VN-Index có thời điểm chinh phục thành công ngưỡng 1.520 điểm.
Tuy nhiên, thiếu đi sự hỗ trợ của dòng tiền khiến ngưỡng này nhanh chóng bị đánh mất trong tích tắc và VN-Index bị đẩy trở lại khá sâu, chỉ còn tăng hơn 8 điểm khi đóng cửa.
Diễn biến phiên này cho thấy, dường như “phe” nào đó không muốn để thị trường tăng lên quá nhanh, nên nén các mã có tác động lớn tới chỉ số, giúp VN-Index tăng vừa phải từng bước 1, dù sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.
Diễn biến thị trường vẫn đang theo hướng tích cực và ngưỡng kháng cự vùng 1.530 điểm được đánh giá không quá mạnh với VN-Index, ngoại trừ có yếu tố bất ngờ tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ không mong đợi đã diễn ra.
Trong phiên tối qua, lo ngại tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là việc Nga có thể động binh với Ukraine khiến giới đầu tư toàn cầu lo sợ đồng lọt bán tháo cổ phiếu để chuyển sang các loại tài sản an toàn khác như vàng, USD, khiến phố Wall tiếp tục lao dốc, trong khi vàng, dầu và USD tăng.
Chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay cũng chịu tác động tâm lý từ bên ngoài khi giảm khoảng 8 điểm lúc mở cửa phiên. Tuy nhiên, sự cân bằng nhanh chóng được thiết lập lại khi lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực. Dòng tiền hoạt động mạnh hơn phiên hôm qua được kỳ vọng sẽ giúp VN-Index lấy lại sắc xanh để hướng tới ngưỡng 1.520 điểm đã thử sức nhưng thất bại hôm qua, và có thể hướng tới ngưỡng cao hơn là vùng đỉnh cũ 1.530 - 1.536 điểm.
Tuy nhiên, lúc 10h sáng nay theo giờ Việt Nam (6h sáng giờ Moskva), Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Donbass, phía Đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.
Theo các tin tức khác, quan chức Bộ Nội vụ Ukraine hôm nay nói rằng các trung tâm chỉ huy quân đội ở thủ đô Kiev và thành phố Kharkov đã trúng đòn tấn công tên lửa.
Tiếng súng vang lên đã khiến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu rung chuyển. Giá dầu thô Brent tăng vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng, giá vàng cũng tăng vọt lên đỉnh cao mới, trong khi chứng khoán bị bán tháo.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, lao dốc trên dưới 3%. Bitcoin cũng theo chân chứng khoán khi lao dốc giảm 6% xuống ngưỡng 35.000 USD, thậm chí có lúc đã mất ngưỡng này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Sau khi hồi lại và giằng co quanh tham chiếu, tưởng chừng dòng tiền mạnh sẽ giúp thị trường bứt lên, nhưng từ 10h, với thông tin từ bên kia trời Âu khiến nhà đầu tư lo sợ đẩy mạnh bán ra, khiến VN-Index lao mạnh 18 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.495 điểm và chỉ nhờ sự hỗ trợ mạnh của nhóm dầu khí tăng theo giá dầu, cùng một vài mã lớn khác như MSN, VPB mới giúp chặn đà giảm của thị thị trường, nhưng không thể trở lại ngưỡng 1.500 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 86 mã tăng và 374 mã giảm, VN-Index giảm 14,66 điểm (-0,97%), xuống 1.497,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 595,3 triệu đơn vị, giá trị 18.141,8 tỷ đồng, tăng hơn 52% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 467,5 tỷ đồng.
Các bluechip chìm trong sắc đỏ với 24 mã trong rổ VN30, tuy vậy, lực bán tháo không diễn ra khi một nửa trong số này chỉ mất trên dưới 1% như HPG, SAB, NVL, VHM, GVR, VNM, VJC, MWG, TCB, VCB, MBB…
Trong khi đó, giảm sâu nhất là HDB -3,2% xuống 28.700 đồng, KDH -2,8% xuống 52.600 đồng, CTG -2,6% xuống 33.950 đồng, TPB -2,3% xuống 41.600 đồng, BID -2,3% xuống 44.550 đồng và VIC -2,2% xuống 80.700 đồng. Các mã PDR, ACB, STB, VRE giảm từ 1,8% đến hơn 2%.
Ở chiều ngược lại, cặp đôi dầu khí PLX và GAS tăng tốt nhất do giá dầu bật lên sau tin tức mới từ Ukraine. Theo đó, PLX +3,5% lên 64.700 đồng, GAS +2,9% lên 120.400 đồng.
Các cổ phiếu tăng khác giúp chỉ số không rơi sâu hơn còn MSN +2,7% lên 161.400 đồng, VPB +1,9% lên 36.600 đồng, BVH +1,6% và PNJ nhích nhẹ 0,2%. Trong đó, VPB phiên này khớp lệnh cao nhất nhóm với gần 21 triệu đơn vị khớp lệnh và cũng là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi lên là nhóm dầu khí, ngoài PLX, GAS nêu trên thì PSH tăng trần +6,9% lên 28.650 đồng, ASP +4,7% lên 15.450 đồng, PVD +4,2% lên 34.900 đồng, VIP +3,1% lên 11.550 đồng, CNG +3% lên 37.200 đồng, PVT +2,6% lên 25.550 đồng, PXS +2,4% lên 12.750 đồng, PGC +2,2% lên 25.050 đồng…
Một vài cổ phiếu còn giữ được sắc xanh trước áp lực bán gia tăng, như cặp đôi phân bón DCM +2,3% lên 32.950 đồng và DPM +1,4% lên 51.400 đồng.
Cùng với đó là một số ít cổ phiếu công ty chứng khoán, với VIX +6,3% lên 22.850 đồng, dù có thời điểm đã chạm giá trần, VDS +2,6% lên 41.000 đồng, VND +1,1% lên 75.200 đồng.
Ngoài ra là một vài cổ phiếu bất động sản, xây dựng, nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn như DXG +0,2%, LDG +0,2%, EVG +1,3%...
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, HAG là cổ phiếu tiêu biểu, khi có thời điểm lùi về giá sàn, trước khi kết phiên -5,8% xuống 10.600 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau VPB với hơn 16,9 triệu đơn vị. cổ phiếu liên quan là HNG cũng giảm khá mạnh, mất 3,1% xuống 9.200 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm sâu khác còn có ROS -5,9%, DIG -6,2%, QCG -6%, HAR -5,2%, DC4 -5,2%, CTI -5,1%, NHA -5,1%, DLG -5%...
Các mã ASM, HHV, CKG, DAH, HDC, CII, FLC, FCN, SCR, HQC, VPH, SAM, HBC, SHI, NBB, ITA mất từ 3,7% đến 4,5%.
Trong đó, FLC khớp lệnh cao nhất với hơn 15,7 triệu đơn vị, ITA khớp 10,3 triệu đơn vị, HQC khớp 7,95 triệu đơn vị, CII khớp 6,8 triệu đơn vị, SCR khớp gần 6,5 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên rung lắc nhẹ quanh tham chiếu, cũng đã chịu áp lực bán gia tăng và khiến chỉ số lao khá mạnh, tạo đáy và bật lên đôi chút vào cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 183 mã giảm, HNX-Index giảm 6,03 điểm (-1,36%), xuống 436,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88,8 triệu đơn vị, giá trị 2.672,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,31 triệu đơn vị, giá trị 135,8 tỷ đồng.
Các mã còn tăng trên HNX đáng nhắc đến cũng nằm ở nhóm dầu khí, với PVS +4,5% lên 34.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 14 triệu đơn vị. cổ phiếu PVC và PVB còn tăng kịch trần lên 19.500 đồng và 23.500 đồng.
Hai cổ phiếu phân bón dầu khí là PSW +6,7% lên 23.800 đồng và PSE +8,6% lên 22.700 đồng.
Ngoài ra, HUT +2,9% lên 28.400 đồng, TNG +0,9% lên 33.500 đồng và LAS +5,8% lên 20.200 đồng là những sắc xanh còn lại trên bảng điện tử.
Phần còn lại đều giảm, với các mã để mất đáng kể như CEO - 6,7% xuống 65.000 đồng, khớp hơn 7,15 triệu đơn vị, , PVL -5,1% xuống 12.900 đồng, IDJ -4,7% xuống 32.800 đồng, DL1 -3,5% xuống 11.100 đồng, LIG -3,4%, NDN -3,2%, MBG -2,9%, ART -2,7%...
Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index giằng co nhẹ ở nửa đầu phiên, sau đó đã lùi sâu và kết phiên đỏ lửa.
Hai cổ phiếu nhóm dầu khí BSR và OIL nổi bật, với BSR +2,5% lên 28.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 9,86 triệu đơn vị, OIL +4,6% lên 20.500 đồng, khớp 3,75 triệu đơn vị.
Các mã xanh trong nhóm giao dịch sôi động nhất chỉ còn PAS +2,2%, DDV +1,3%, PXT +9,4%, CEN +2,7%.
Còn lại, VHG, SSB, VGT, C4G, ABB, BVB, LMH, QTP, G36, VAB, VFS đều giảm.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,17 điểm (-1,03%), xuống 112,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,8 triệu đơn vị, giá trị 1.189,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,81 triệu đơn vị, giá trị 29,7 tỷ đồng.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-24-2-sung-no-troi-au-chung-khoan-viet-nam-rung-chuyen-post291739.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại