Giao dịch chứng khoán sáng 18/2: Thị trường phân hóa mạnh, nhóm cổ phiếu thép khởi sắc
Thị trường giao dịch khá phân hóa với áp lực lớn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán khiến VN-Index mất điểm, trong khi nhóm cổ phiếu thép đang giao dịch khá khởi sắc.
Phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 ngày hôm qua (17/2) không phải ngoại lệ khi diễn biến “kéo” mạnh đã diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC. Chỉ số VN30 tăng vọt 1,25% giúp VN-Index vượt thành công ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Chỉ số VN-Index đã bật tăng trở lại từ vùng hỗ trợ MA10 và tiếp cận với đỉnh của nhịp hồi phục trước đó tại vùng quanh mốc giá trị 1.510 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật xu hướng ngắn hạn đang dần được cải thiện, nhưng điểm trừ hiện tại chính là thanh khoản không quá tích cực.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã không được như kỳ vọng khi những ảnh hưởng khá tiêu cực từ thị trường quốc tế bởi căng thẳng địa chính trị nóng trở lại khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo, đã phần nào tác động lên thị trường chứng khoán trong nước.
Bảng điện tử chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa, đặc biệt là áp lực khá lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip khi trả lại hết thành quả có được nhờ nhịp kéo tăng mạnh cuối phiên hôm qua và đồng loạt quay đầu điều chỉnh. Chỉ số VN-Index trở lại điểm xuất phát của phiên giao dịch 17/2.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm VN30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh, trong đó VJC tăng tốt nhất là 2%, còn lại HPG, BVH và PNJ đang tăng nhẹ; trong khi có tới 24 mã giảm điểm. Chỉ số VN30-Index đang giảm hơn 10 điểm và VN-Index giảm gần 6 điểm, dao động quanh vùng giá 1.500 điểm với diễn biến thị trường chung phân hóa khá mạnh.
Trong khi các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán đang gia tăng gánh nặng cho thị trường, thì nhóm cổ phiếu thép lại đi ngược xu hướng chung. Đồng loạt các cổ phiếu thép đang giao dịch khởi sắc, với NKG tăng tốt nhất nhóm với biên độ tăng hơn 4%, trong khi HPG, HSG, SMC đang tăng trên dưới 2%, trong đó HPG đang dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa mạnh, nhưng với diễn biến không mấy khả quan ở nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên sáng khi để mất hơn 6 điểm và lùi về sát mốc 1.500 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 206 mã tăng và 214 mã giảm, VN-Index giảm 6,25 điểm (-0,41%) xuống 1.501,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 427,9 triệu đơn vị, giá trị 13.313 tỷ đồng, tăng 15,43% về khối lượng và 19,62% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,16 triệu đơn vị, giá trị 513,76 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường khi chốt phiên sáng ghi nhận 26 mã giảm và 4 mã tăng nhẹ, chỉ số VN30-Index giảm hơn 12 điểm xuống dưới mốc 1.530 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên tăng vọt hôm qua đã đồng loạt quay đầu điều chỉnh, ngoại trừ chỉ còn duy nhất VIB tăng chưa tới 0,5%. Trong đó, LPB là mã giảm mạnh nhất trong ngành khi để mất 3,5%; còn BID giảm mạnh nhất rổ VN30 khi để mất 2%; các mã khác như MBB, ACB, HDB, STB, TPB, TCB, TPB đang giảm hơn 1%.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn khác gia tăng gánh nặng lên thị trường như VHM và VIC cùng giảm 2%, SAB giảm 1,6%, GAS giảm 1,5%, GVR giảm 1,2%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau pha điều chỉnh đầu phiên đã có dấu hiệu tích cực hơn khi đồng loạt mã hồi phục sắc xanh, chỉ còn EVS và CSI giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã lớn như SSI, HCM, VND đều tăng hơn 1%, VCI tăng 2,5%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn duy trì diễn biến tích cực với sắc xanh phủ kín cùng giao dịch sôi động. Cụ thể, HPG tăng 1,3% lên mức 47.100 đồng/CP và khớp 15,37 triệu đơn vị, chỉ đứng sau LPB về thanh khoản đạt 17,91 triệu đơn vị; NKG tăng 4% lên 41.100 đồng/CP và khớp 8,26 triệu đơn vị, HSG tăng 1,6% lên 37.200 đồng/CP và khớp hơn 7,82 triệu đơn vị…
Ở nhóm bất động sản, trong khi các mã lớn giao dịch không mấy tích cực thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì đà tăng, như FLC, DXG, TCH, LDG, SCR tăng hơn 1%; hay ITA, CII, BCG… tăng hơn 2%, DIG tăng 4,1%...
Trên sàn HNX, sau gần nửa đầu phiên giao dịch dưới mốc tham chiếu, đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip đã kéo thị trường khởi sắc.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 97 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index tăng 2,86 điểm (+0,66%) lên 433,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,25 triệu đơn vị, giá trị 1.332,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,1 triệu đơn vị, giá trị 96,71 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có 10 mã giảm điểm, trong đó, NTP giảm mạnh nhất là 2,1%, tiếp theo là VC3, PVB, TAR giảm hơn 1%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, cổ phiếu lớn IDC là nhân tố chính kéo thị trường tăng vọt khi chốt phiên tăng 5% lên mức giá cao nhất 72.000 đồng/CP. Các mã tăng tốt khác như TNG tăng 3,8%, IDV tăng 3,7%, CEO tăng 2,4%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng khởi sắc với SHS và BVS cùng tăng 2,7%, MBS tăng 2,1%, APS tăng 2,1%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, BII có thời điểm tăng kịch trần và chốt phiên tăng 7,8% lên mức 11.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,5 triệu đơn vị; KLF đứng giá tham chiếu và khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản trên HNX là PVS khớp gần 4,15 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 0,7% xuống mức 29.000 đồng/CP. Tiếp theo là TNG và CEO khớp 3,3 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, nỗ lực hồi phục bất thành, thị trường giật lùi về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,15%) xuống 112,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,81 triệu đơn vị, giá trị 823,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,57 triệu đơn vị, giá trị 31,95 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ VHG có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 5,64 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 2,2% lên mức 9.400 đồng/CP, trong khi các mã khác như DPS, MPT, ATG, AVF, VST… chốt phiên tăng kịch trần với giao dịch cũng khá sôi động.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí BSR quay đầu điều chỉnh nhẹ khi để mất 0,4% xuống mức 26.200 đồng/CP và khớp 4,66 triệu đơn vị.
Nguồn TInnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-18-2-thi-truong-phan-hoa-manh-nhom-co-phieu-thep-khoi-sac-post291396.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại