Giao dịch chứng khoán sáng 21/2: Nhóm vừa và nhỏ tiếp tục tăng tốc
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục cản trở đà hồi phục của thị trường thì nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giữ đà tăng khá tốt trong phiên sáng đầu tuần ngày 21/2, đặc biệt là nhóm cổ phiếu liên quan tới Louis đang dậy sóng trở lại.
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch nhiều biến động với những phiên tăng giảm trong biên độ khá lớn bởi ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình địa chính trị thế giới đến kỳ đáo hạn phái sinh vào cuối tuần. Chỉ số VN-Index kết tuần với cây nến Bullish Hammer, giữ xu hướng tăng giá tích cực nhưng vẫn đang dưới vùng đỉnh của nhịp phục hồi trước đó.
Dù thị trường vẫn còn một số rủi ro ngắn hạn từ mối lo ngại tình hình chính trị thế giới và khả năng lạm phát gia tăng do dầu tăng giá nhưng tình hình chung thị trường sẽ tiếp tục duy trì độ ổn định tăng trưởng trên vùng 1.500 điểm trong ngắn hạn. Và giới chuyên gia dự báo, nếu thanh khoản được cải thiện thì nhiều khả năng chỉ số có thể tiếp tục hướng về vùng 1.520 điểm.
Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 21/2, sự trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục là điểm nhấn của thị trường. Chỉ số VN-Index sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên đã lấy lại sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn tỏ ra yếu thế, đặc biệt là dòng bank suy yếu với sắc đỏ bao trùm toàn ngành. Đây là nhân tố chính khiến thị trường chưa thể bật cao và chỉ số VN-Index chỉ giữ đà tăng nhẹ sau gần 1 giờ giao dịch
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục hồi phục tích cực. Sắc xanh đang lan rộng khi chỉ còn PHS và EVS đứng mốc tham chiếu, dù biên độ tăng không quá lớn.
Điểm nhấn thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản. Nhiều mã vừa và nhỏ như CII, VRC, NBB, NVT tăng kịch trần, LDG tăng sát trần…; các mã HDG, BCG, TCH, VPH, DIG, HAR, DRH đều tăng hơn 3-4%, hay FLC, ROS, HQC... đã lấy lại sắc xanh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dược phẩm duy trì đà tăng mạnh với DHG, JVC tăng trên dưới 6%, VMD tăng 4,8%...
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu liên quan đến họ Louis đồng loạt dậy sóng trở lại với các sắc tím tại BII, VKC, SMT, AGM, TGG, các mã còn lại cũng tăng rất mạnh.
Liên quan đến nhóm này, mới đây BII đã công bố thông tin thay Tổng giám đốc. Theo đó, sau 8 tháng ngồi ghế Tổng giám đốc BII, ông Lục Tấn Huy đã bị miễn nhiệm và được thay thế bởi nữ tướng 8x Nguyễn Giang Quyên.
Việc thiếu vắng sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index biến động giằng co và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu trong gần suốt cả phiên giao dịch sáng. Dòng tiền tiếp tục có sự gia tăng nhẹ với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản, cùng một số con sóng đơn lẻ đã giúp thị trường tạm dừng phiên sáng nay trong đà tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 254 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 3,88 điểm (+0,26%) lên 1.508,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 476,34 triệu đơn vị, giá trị gần 14.229 tỷ đồng, tăng 11,32% về khối lượng và 6,88% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 18/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,7 triệu đơn vị, giá trị 574,82 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 18 mã giảm và 11 mã tăng, chốt phiên, chỉ số VN30-Index giảm gần 2 điểm. Trong đó, bên cạnh sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số mã lớn khác đóng vai trò là lực cản của thị trường như PDR giảm 1,3%, MSN giảm 1,2%, GAS giảm 1,1%...
Trái lại, cổ phiếu lớn VIC đảo chiều hồi phục và hỗ trợ khá tốt cho thị trường khi chốt phiên tăng 1,3% lên mức 83.300 đồng/CP, trong khi VHM chỉ nhích nhẹ chưa tới 0,5%. Ngoài ra, các mã tăng tốt khác như GVR tăng 2,4%, SSI tăng 2,1%, FPT tăng 1,2%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh nhóm cổ phiếu nhà Louis dậy sóng với AGM, TGG, BII, VKC, SMT vẫn trong trạng thái dư mua trần, họ FLC cũng đua nhau khởi sắc trở lại. Trong đó, FLC chốt phiên tăng 2,4% lên mức 13.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 18,56 triệu đơn vị, các mã khác là AMD, HAI, ROS cũng chốt phiên tăng hơn 2%.
Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm bank là lực cản chính của thị trường khi hầu hết đều mất điểm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là BID, sau khi nới rộng biên độ và giảm mạnh nhất trong ngành, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này lấy lại thăng bằng và là mã duy nhất có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên nhích nhẹ 0,1%. Còn lại, VCB, TCB, CTG, VPB, ACB, SHB… đồng loạt giảm trên dưới 1%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép rung lắc và điều chỉnh nhẹ với HPG, HSG, NKG, SMC, POM giảm nhẹ trên dưới 1%.
Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn tăng khá tốt, với mã lớn như SSI tăng 2,1%, HCM tăng 2,8%, VND tăng 4,9%, VCI tăng 3%, hay FTS tăng 5,2%, BSI tăng 3,4%, VIX tăng 2,3%...
Ở nhóm bất động sản, top vừa và nhỏ là điểm nhấn với hầu hết đều giao dịch khởi sắc. Bên cạnh CII, HDC, NBB, DC4, VRC, HAR… tăng trần, các mã khác như DIG, KDH, KBC, NLG, VCG, HDG, TCH, ITA, BCG, FLC… đều giao dịch khởi sắc.
Trong đó, BCG với những thông tin như kế hoạch chào bán riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 20.000 đồng/CP, dự kiến chia cổ tức 8-10%..., cổ phiếu BCG tiếp tục giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động trong phiên sáng nay, xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Chốt phiên, BCG tăng 2,2% lên 25.650 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Một mã đáng chú ý khác là TCH khi tiếp tục có thêm phiên tăng điểm. Chốt phiên sáng nay, TCH tăng 2,89% lên mức 23.150 đồng/CP và khớp hơn 6,75 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường tăng khá tốt nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 136 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 5,06 điểm (+1,16%) lên 440,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,57 triệu đơn vị, giá trị 1.579 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,37 triệu đơn vị, giá trị 38,29 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO tiếp tục hồi phục khi chốt phiên tăng 4,5% lên mức 74.700 đồng/CP, đóng góp tích cực vào đà tăng của thị trường.
Ngoài ra, các mã lớn khác trong rổ HNX30 như SHS tăng 4% lên 44.100 đồng/CP, NVB tăng 1%, IDC, PVS, THD tăng nhẹ. Trong đó, SHS có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 4,67 triệu đơn vị.
Bên cạnh SHS, các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc với ART tăng 3,7%, APS tăng 6,6%, MBS tăng 2,5%, VIG tăng 2,8%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF đảo chiều tăng 1,6% lên mức 6.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt hơn 4,4 triệu đơn vị.
Các mã khác như ART, NDN, BII, APS, IDJ, AAV, HUT, AMV… đều tăng mạnh và có khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường cũng hồi phục và tạm dừng phiên sáng ở mức giá cao nhất.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,63%) lên 113,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,81 triệu đơn vị, giá trị 942,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 17,82 tỷ đồng.
Các mã vừa và nhỏ cũng là điểm nhấn trên UPCoM, trong đó, SBS tăng 5,9% lên mức 14.400 đồng/CP với thanh khoản cao nhất, đạt 8,45 triệu đơn vị; tiếp theo là VHG tăng 9,7% lên mức 10.200 đồng/CP và khớp 6,66 triệu đơn vị, C4G tăng 3,2% lên 22.400 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị…
Đáng chú ý trong phiên hôm nay, cổ phiếu DDV bất ngờ tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên, DDV tăng 10,9% lên mức 21.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,27 triệu đơn vị, đứng thứ 6 về thanh khoản trên UPCoM.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-21-2-nhom-vua-va-nho-tiep-tuc-tang-toc-post291535.html
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán
- Thị trường chứng khoán: Tâm lý còn dè dặt, VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản ít biến động