Giao dịch chứng khoán sáng 25/2: Niềm vui trở lại

Thứ sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2022 | 14:6

Thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên sáng 25/2 sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã lỗi hẹn ngưỡng 1.510 điểm do một số mã lớn hạ độ cao hoặc quay đầu điều chỉnh.

Giao dịch chứng khoán sáng 25/2: Niềm vui trở lạiMặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những căng thẳng giữa chiến sự Nga – Ukraina khiến thị trường trong nước biến động mạnh trong phiên 24/2, nhưng điểm đáng chú ý hơn chính là lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp khá mạnh, giúp VN-Index kết phiên trên vùng hỗ trợ kỹ thuật 1.485 – 1.490 điểm (MA20 – 50) cùng thanh khoản bùng nổ, ghi nhận con số cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Với diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đánh giá xu hướng thị trường vẫn khá tích cực. Theo TVSI, xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn chỉ đang trong quá trình hình thành và sẽ xác nhận nếu VN-Index vượt vùng kháng cự 1.510-1.515 điểm và xa hơn là vượt đỉnh cũ tại 1.535 điểm.

Dường như dòng tiền bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ hôm qua đã phần nào mở ra kỳ vọng thị trường sẽ sớm trở lại. Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/2, như chưa hề có cuộc chia ly, thị trường lại trở lại mướt mát với sắc xanh phủ kín bảng điện tử. Chỉ số VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng 1.500 điểm ngay khi mở cửa.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, số mã tăng điểm trên sàn HOSE gấp hơn 3 lần số mã giảm, trong đó nhóm VN30 cũng khá hậu thuẫn khi sắc xanh gấp tới gần 4 lần số mã đỏ. Chỉ số VN-Index biến động quanh mốc 1.505 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, dòng bank đang tiếp sức khá tích cực. Ngoại trừ VCB và SSB đang điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, VPB đang là điểm sáng của ngành khi tăng mạnh về giá cùng thanh khoản vượt trội.

Hiện VPB đang tăng hơn 5% lên gần mức giá 39.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu, đạt gần 22 triệu đơn vị, hơn gấp đôi so với mã đứng thứ 2 là HAG khớp 9,4 triệu đơn vị. Theo phân tích và đánh giá của MBS, giá mục tiêu của cổ phiếu VPB là 54.100 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và định giá tương đối (so sánh P/B và P/E).

Bên cạnh nhóm bluechip, cổ phiếu vừa và nhỏ cũng “bừng tỉnh” sau phiên mất điểm hôm qua như FLC, ROS, DLG, HHS… đều hồi phục tích cực.

Đáng chú ý, sóng lớn ở nhóm cổ phiếu dược và phân bón chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bên cạnh các mã VMD, VFG tăng trần, các mã tăng mạnh khác như VAF tăng sát trần, DCM, BFC tăng hơn 3-4%...

Bên cạnh thanh khoản sụt giảm, việc hạ độ cao của nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index lỗi hẹn với mốc 1.510 điểm trong phiên giao dịch sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 343 mã tăng và 111 mã giảm, VN-Index tăng 11,99 điểm (+0,8%) lên 1.505,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 595,3 triệu đơn vị, giá trị 18.141,8 tỷ đồng, giảm 23,53% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,93 triệu đơn vị, giá trị 253,27 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, một số mã đảo chiều giảm sau nhịp hồi phục đầu phiên như VJC giảm 1,5%, PLX giảm 1,3%, PDR giảm 1,1%, hay các mã lớn VIC, NVL, SAB giảm quanh mức 0,5%.

Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm sáng của nhóm này với VPB tiếp tục có biên độ tăng rộng nhất là 4,2%, chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 38.450 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động lên gần 37,3 triệu đơn vị.

Các mã bluechip khác cũng hỗ trợ giúp thị trường giữ đà tăng như GVR, KDH, BVH tăng hơn 1%, GAS, FPT, VNM, HPG nhích nhẹ…

Chỉ số VN30 đã không chinh phục được mốc 1.540 điểm và quay đầu thu hẹp biên độ về cuối phiên khi ghi nhận mức tăng gần 12 điểm với 20 mã tăng và 8 mã giảm.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG đã có thời điểm hồi phục sắc xanh và hiện chỉ điều chỉnh nhẹ, trong khi nhiều mã khác như FLC, ROS, IDI, HHS, DLG, HQC… đều duy trì đà tăng.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, dòng bank vẫn là trụ cột chính của thị trường. Chỉ còn duy nhất ACB điều chỉnh nhẹ chưa tới 1 bước giá, còn lại sắc xanh đã phủ kín toàn ngành. Bên cạnh VPB tăng tốt, các mã khác như MBB, VIB, MSB, SHB, HDB, LPB đều tăng hơn 1%; TPB, EIB tăng hơn 2%...

Tương tự, nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất PHS giảm nhẹ, còn lại đều ghi nhận đà tăng. Cụ thể, SSI tăng 3%, HCM tăng 1,7%, VND tăng 4,6%, VCI tăng 3,5%, BSI tăng 3,2%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường nhưng vẫn chưa tìm lại đà hồi phục mạnh. Các mã lớn HPG, HSG, NKG chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%, các mã khác như TLH, POM, SMC tăng trên dưới 1%.

Ở nhóm bất động sản, trong khi các mã lớn như VIC, NVL đảo chiều giảm, hoặc VHM quay về mốc tham chiếu, là một trong những nhân tố chính khiến thị trường hạ độ cao, thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì đà tăng dù biên độ không quá lớn như KDH, VCG, NLG, TCH, CII… chỉ tăng nhẹ chưa tới 1%, DIG, BCM, KBC, BCG tăng trên dưới 2%...

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu hệ louis dậy sóng với TGG, SMT, VKC, BII cùng chốt phiên tăng trần, AGM cũng có thời điểm áp sát mức giá trần và chốt phiên giữ đà tăng tốt với biên độ 5,9%.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 143 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 5,66 điểm (+1,3%) lên 440,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 66,34 triệu đơn vị, giá trị 1.922,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,15 triệu đơn vị, giá trị 37,11 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ có 5 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó duy nhất LHC giảm sâu khi để mất 7,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 142.000 đồng/CP, còn lại PVSm VC3, SHN, VMC chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%. Trong đó, PVS sau 4 phiên tăng tốc đã bị chốt lời và quay đầu giảm 1,4% xuống mức 34.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HNX, đạt 9,35 triệu đơn vị.

Trái lại có tới 24 mã tăng, trong đó TVC tăng tốt nhất với biên độ 8,6% và chốt phiên sáng đứng tại mức 20.100 đồng/CP.

Nhưng đáng chú ý là TAR. Bên cạnh đà tăng mạnh về giá khi có thời điểm kéo trần thành công, cổ phiếu TAR còn có thanh khoản tăng đột biến.

Chốt phiên, TAR áp sát TVC khi ghi nhận mức tăng 7,6% và đứng tại mức giá 39.700 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2,4 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 7 về thanh khoản trên sàn HNX.

Một số mã lớn tăng tốt khác như SHS tăng 3,1%, IDC tăng 2,6% lên mức 72.100 đồng/CP, CEO tăng 3,1% lên 66.800 đồng/CP…

Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng giao dịch khởi sắc như BVS và MBS cùng tăng 2,7%, ART tăng 2,9%, APS tăng 3,9%, VIG tăng 3,7%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu than vẫn tăng tốt với NBC tăng 4,7%, TVD tăng 3,7%, THT tăng 4,2%, TC6 tăng 4,88%, MDC tăng 2,27%, TDN tăng 2,9%, TCS tăng 3,95%...

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,31%) lên 112,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,73 triệu đơn vị, giá trị 1.028,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,06 triệu đơn vị, giá trị 43,29 tỷ đồng.

Cặp dầu khí BSR và OIL quay đầu điều chỉnh nhẹ. Trong đó, BSR giảm 1,4% xuống 28.100 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 5,64 triệu đơn vị, còn OIL giảm 0,5% xuống 20.200 đồng/CP và khớp 2,28 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý DDV tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt. Chốt phiên sáng nay, DDV tăng 8,5% lên mức 26.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,57 triệu đơn vị.

Theo Tinnhanhchungkhoan.vn

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-25-2-niem-vui-tro-lai-post291801.html