Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Sóng bất động sản trở lại hay chỉ hồi kỹ thuật
Nhóm cổ phiếu bất động sản đang đua nhau dậy sóng, tuy nhiên sẽ có sự tách nhóm với những cổ phiếu có nền tảng tốt mới giữ được đà tăng trưởng còn những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao sẽ nhanh chóng mất lực chỉ sau thời gian ngắn.
Thị trường đã có thêm 1 tuần tăng điểm nhẹ và duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp nhưng đang tăng dần đều. Điều này sẽ khiến dòng tiền lan tỏa mạnh hơn trong thời gian tới. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch của thị trường trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Diễn biến giao dịch tuần tới của TTCK có thể sẽ khởi sắc hơn bởi dòng tiền tham gia có sự cải thiện. Diễn biến giá của nhiều cổ phiếu cơ bản như thép, vật liệu xây dựng, cảng biển... đã có sự phục hồi từ vùng đáy và đang có xu hướng quay lại khu vực đỉnh giá cũ. VN-Index dao động quanh mốc 1.500 điểm để tiến lên vùng 1.520 - 1.530 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã trải qua nhiều bài test ngắn bao gồm các đợt rung lắc từ sự kiện Ucraina cho đến kỳ đáo hạn phái sinh cuối tuần nhưng qua đó cho thấy dòng tiền vẫn trụ khá tốt và mức độ hồi phục của thị trường rất nhanh chỉ sau một hai phiên.
Có thể mức độ giao dịch chưa thể đạt ở mức cao như đợt tháng 11, 12 do nhiều nhà đầu tư còn bị mắc kẹt ở vùng giá cao vì vậy giao dịch chung của thị trường sẽ hồi phục dần và tôi cho là thị trường sẽ đạt cao điểm giao dịch trong 1 tháng tới vừa đúng thời điểm kết thúc quý I.
Thị trường vẫn còn một số rủi ro ngắn hạn từ mối lo ngại tình hình chính trị thế giới và khả năng lạm phát gia tăng do dầu tăng giá nhưng tình hình chung thị trường sẽ tiếp tục duy trì độ ổn định tăng trưởng trên vùng 1.500 điểm trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo góc nhìn của tôi, việc 1 tuần tăng điểm nhẹ và mốc 1.500 điểm vẫn được giữ vững là một tín hiệu tích cực để dự báo cho xu hướng thị trường trong tuần tới. Nếu thanh khoản được cải thiện, nhiều khả năng chỉ số có thế tiếp tục hướng về vùng 1.520 điểm.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, khi thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp và tình hình địa chính trị có những diễn biến tiêu cực, chỉ số có thể chịu áp lực điều chỉnh. Do đó, vùng 1.480-1.520 điểm là biên độ dao động tôi dự đoán cho thị trường trong tuần sau.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ có kịch bản tăng điểm vào tuần tới và dòng tiền có thể sẽ cải thiện hơn khi các nhóm cổ phiếu có dấu hiệu tăng đồng thuận hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục cản trở sự hồi phục của thị trường, thì nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đua nhau dậy sóng với hàng loạt mã nóng như CII, NBB, DIG, LDG. Ông/bà đánh giá như thế nào về chuyển động của dòng tiền?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Dòng tiền vẫn quanh quẩn dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang những nhóm cổ phiếu khác nên mỗi cổ phiếu cũng sẽ thời điểm giao dịch khởi sắc và tăng tốc. Đây vốn là đặc điểm của TTCK trong giai đoạn uptrend.
Nhóm cổ phiếu bất động sản" nóng bỏng tay" giai đoạn trước giờ đang hồi phục từ vùng đáy điều chỉnh cũng sẽ cần điều chỉnh tích lũy trong tuần tới. Dòng tiền tuần tới có khả năng sẽ gia tăng - diễn biến thị trường chung sẽ có những chuyển biến tích cực khi nhóm cổ phiếu chứng khoán nhập cuộc với thanh khoản cải thiện.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trong những phiên gần đây dòng tiền đã trở lại với nhóm bất động sản với độ nóng không thua kém mấy so với cách đây 3 tháng trước. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã giảm hơn 50% giá trị vì vậy các đợt hồi phục ngắn hạn phần lớn là hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
Sẽ có sự tách nhóm mà những cổ phiếu có nền tảng tốt mới giữ được đà tăng trưởng còn những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao sẽ nhanh chóng mất lực chỉ sau thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo tôi nhận định, dòng tiền dịch chuyển sang các mã cổ phiếu trên chủ yếu là dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân.
Việc thị trường lình xình đi ngang với thanh khoản thấp khiến các mã cổ phiếu vốn hóa lớn bị dao động trong biên độ hẹp và khiến nhóm này khó thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư.
Do đó, trong ngắn hạn dòng tiền sẽ có xu hướng tìm về các mã biến động mạnh hơn, đặc biệt là các mã đầu cơ có dấu hiệu phục hồi sau khi rơi vào trạng thái quá bán trong thời gian qua. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới nếu chỉ số vẫn đi ngang tích lũy.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Dòng tiền duy trì ở mức thấp trong các tuần giao dịch vừa qua do ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Fed dự kiến tăng lãi suất trong tháng 03/2022 cho nên dòng tiền xảy ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, theo quan sát, dòng tiền sẽ đồng thuận vào tuần giao dịch tới, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản có thể thay nhau dẫn dắt xu hướng thị trường.
Thị trường đang cho thấy sự giằng co và sự phân hoá được dự báo sẽ tiếp diễn. Hơn 80% doanh nghiệp trên HOSE (đại diện khoảng 90% giá trị vốn hóa toàn sàn) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận không cao. Liệu sự phân hoá này có dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Số liệu kết quả kinh doanh tăng mạnh đến từ nhóm xây dựng và vật liệu, hóa chất, cảng biển, dịch vụ tài chính... nhưng đó là số liệu quá khứ rồi - chúng ta đang bàn đến số liệu quý I, kết quả kinh doanh triển vọng của cả năm 2022.
Sự quan tâm của TTCK sẽ lại hướng sang nhóm cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh nổi trội. Phân hóa sẽ càng lớn khi sự chênh lệnh kết quả kinh doanh dự phóng và thực tế (tương lai gần) sẽ quyết định đà tăng giá của các cổ phiếu đặc thù.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện năm 2021 đã là chuyện cũ và nhà đầu tư hướng sự kỳ vọng vào mùa kinh doanh năm 2022 nhiều hơn. Do đó kết quả kinh doanh quý IV/2021 đã không còn mang nhiều ý nghĩa.
Thậm chí, có những xu hướng ngược là những doanh nghiệp báo cáo kết quả quý IV quá lạc quan thì giá cổ phiếu sau đó lại đảo chiều nhanh hơn. Dòng tiền sẽ tìm đến nhóm ngành tăng trưởng trong năm mới 2022 mà gần nhất là mùa kết quả kinh doanh quý I sắp đến.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo tôi các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV đã được phản ánh hầu hết vào giá của cổ phiếu trong giai đoạn trước đó. Vì vậy, tôi cho rằng sự phân hóa trong thời gian gần đây không đến từ các thông tin này mà đến chủ yếu từ kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022 và các doanh nghiệp có câu chuyện riêng đi kèm (ví dụ như việc thoái vốn, chuyển sàn giao dịch…).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Yếu tố về kết quả kinh doanh quý IV/2021 và cả năm 2021 cũng có thể tác động một phần tạo sự phân hóa dòng tiền trong các phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, câu chuyện kỳ vọng 2022 cũng như sự dẫn dắt dòng tiền ngắn hạn mới chính tạo ra sự phân hóa trên thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều khuyến nghị cho rằng nên tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu, hay thị trường hàng hóa, hoặc các cổ phiếu nhạy cảm với việc nền kinh tế tái mở cửa… Theo các ông/bà, đâu là nhóm cổ phiếu đáng để “chọn mặt gửi vàng” trong giai đoạn này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Vẫn có nhiều cổ phiếu hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công, các hiệp định thương mại như EVFTA hay giá dầu tăng cao... có lẽ nhóm cổ phiếu cảng biển, xây dựng và vật liệu xây dựng, dược phẩm, xuất khẩu thủy sản, dệt may, tài chính, bất động sản khu công nghiệp và dầu khí sẽ là nhóm được quan tâm giai đoạn này.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ là tâm điểm trong giao dịch ngắn hạn, tuy nhiên khả năng kéo dài bao lâu lại tùy thuộc xu hướng giá dầu tăng dài hay ngắn. Nếu giá dầu quá cao về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác mà lớn nhất chính là chi phí logistics tăng cao làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và mối lo lạm phát trở lại.
Các nhóm ngành ít nhất có thể kỳ vọng trong quý I năm nay bao gồm nhóm chứng khoán, phân đạm, bán lẻ, dầu khí, dệt may và ngân hàng đều là những nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp có thể đạt lợi nhuận lạc quan nhất so với các nhóm ngành khác.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Kỳ vọng về sự tăng trưởng của thị trường trong năm nay chủ yếu đến từ việc hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện trong giai đoạn bình thường mới. Do đó, tôi nhận định với việc bám sát vào kỳ vọng thì các nhóm ngành được hưởng lợi trong giai đoạn tái mở cửa sẽ là điểm sáng trong thời gian tới, điển hình như nhóm ngành du lịch và xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản vì hai nhóm cổ phiếu này có thể thay thế nhau dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới. Đồng thời, nhóm cổ phiếu tiêu dùng và bán lẻ có thể là những nhóm cổ phiếu duy trì chiến lược mua và nắm giữ trong giai đoạn quý I/2022.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-chung-khoan-tuan-moi-song-bat-dong-san-tro-lai-hay-chi-hoi-ky-thuat-post291502.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại