“Gu” đầu tư cổ phiếu 2022

Thứ hai, ngày 10 tháng 1 năm 2022 | 10:54

Chứng khoán Mỹ, cũng như toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nhưng vẫn có những ngành được nhận định có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Hoạt động đầu tư năm 2022 sẽ không có cảnh tất cả cùng thắng như 2021.

Hoạt động đầu tư năm 2022 sẽ không có cảnh tất cả cùng thắng như 2021.

Năm 2021 được đánh dấu bằng sự tăng trưởng mạnh của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu khi nền kinh tế bắt đầu quá trình mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Nhưng đây cũng là năm ghi nhận lạm phát lập kỷ lục, các vấn đề về chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung lao động và sự xuất hiện của hai biến chủng Covid mới.

Năm 2022, xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu được dự báo là “vẫn tăng trưởng nhưng chậm lại”, với bối cảnh là tăng trưởng kinh tế chậm hơn, cùng với lạm phát kéo dài và kỳ vọng mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng việc tăng lãi suất sẽ được tiến hành vào năm nay.

Fed đang áp dụng lập trường diều hâu hơn để loại bỏ các gói kích cầu được tung ra trong đại dịch Covid-19 nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát.

Dự báo sau cuộc họp FOMC vào tháng 12/2021 cho thấy, FOMC dự kiến có ba lần tăng lãi suất trong năm 2022 và ba lần tăng lãi suất trong năm 2023, hai lần tăng trong năm 2024, mỗi lần tăng lãi suất đều ở mức 25 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán ít có khả năng sẽ có ba lần tăng lãi suất trong năm nay và việc tăng lãi suất sớm nhất cũng phải sau quý II.

Trong bối cảnh đó, một số ngành được giới chuyên gia đánh giá vẫn có tiềm năng tăng trưởng vượt trội so với các ngành còn lại. Thương mại điện tử được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, trong đó có thương mại điện tử.

Nếu như trong quý I/2020, doanh số thương mại điện tử chỉ chiếm 4,2% tổng doanh số bán lẻ của Mỹ thì đến quý III/2021, tỷ lệ này là hơn 13% và được dự báo rằng sẽ chiếm gần 22% vào cuối năm 2024. Có thể thấy, thương mại điện tử không phải là câu chuyện nhất thời, mà là đại diện cho một câu chuyện tăng trưởng liên tục.

Ngành ngân hàng vẫn duy trì vị trí nổi bật trong nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt, các ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn đáng được xem xét đầu tư khi hiện nay nhiều ngân hàng áp dụng công nghệ để hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó tăng lợi nhuận.

Đại dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở đau đớn về sự cần thiết của các giải pháp chăm sóc sức khỏe. Các công ty công nghệ sinh học nổi lên với những công nghệ và giải pháp mới để khống chế dịch bệnh, từ đó thường trở thành mục tiêu thâu tóm của các công ty dược phẩm có vốn hóa lớn hơn.

Theo HBM Partners, trong năm 2019, hoạt động M&A trong ngành công nghệ sinh học đã đạt giá trị kỷ lục 254 tỷ USD.

Các thương vụ mua lại này đã chậm lại vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát mạnh trên toàn thế giới và tiếp tục ì ạch vào năm 2021. Tuy nhiên khi mọi thứ trở lại bình thường hơn vào năm 2022, M&A trong ngành công nghệ sinh học dự báo sẽ sôi động trở lại.

Cũng trong đại dịch, nhu cầu giao tiếp, làm việc, mua sắm và giáo dục từ xa phát triển hơn bao giờ hết. Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi xã hội này. Cụ thể, các công nghệ mang tính cách mạng như trí tuệ nhân tạo, robot, blockchain, an ninh mạng và thậm chí cả 5G sẽ là những hướng phát triển mũi nhọn. Các công ty cung cấp các loại công nghệ mang tính cách mạng này cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển này.

Matthew McKay, nhà phân tích đầu tư của Briaud Financial Advisors tại College Station, Texas dự đoán: Thị trường năm nay sẽ tăng trưởng thận trọng hơn nhưng vẫn có những cơ hội kiếm tiền. Các ngành như dịch vụ tiện ích, chăm sóc sức khỏe và mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng có thể sẽ có những diễn biến tích cực hơn các ngành còn lại.

Trong khi đó, Joseph Veranth, Giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại Dana Investment Advisors ở Waukesha, Wisconsin cho rằng, cổ phiếu liên quan đến xây dựng nhà ở có thể là địa chỉ đầu tư tốt. Ngoài ra, các quỹ đầu tư bất động sản cũng có thể hoạt động tốt hơn so với thị trường.

Barry Glassman, Chủ tịch Glassman Wealth Services ở Vienna, Virginia, cho biết, cổ phiếu công nghiệp cũng có thể được hưởng lợi từ một nền kinh tế mạnh và từ việc các chính phủ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng và quốc phòng an ninh.

Nói chung, các công ty trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng hóa trong các ngành như xây dựng, kỹ thuật, hàng không vũ trụ và quốc phòng, dịch vụ vận tải và hậu cần sẽ được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô.

Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn

https://tinnhanhchungkhoan.vn/gu-dau-tu-co-phieu-2022-post289051.html