Hải Phòng: Phản biện xã hội về Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài

Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024 | 12:27

Ngày 30/8, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án thu hút và trọng dụng nhân tài TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án do Sở Nội vụ thành phố tham mưu, xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng Đào Trọng Đức khẳng định: Từ năm 2004 tới nay, Hải Phòng đã triển khai nhiều chính sách và mô hình thu hút, trọng dụng nhân tài. Các chính sách này đã bước đầu thu hút, phát triển được số lượng nhất định nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong công tác triển khai, thực hiện.

19.jpg

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng Đào Trọng Đức phát biểu tại hội nghị.

Việc xây dựng Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài là hết sức cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, góp phần phục vụ cho sự nghiệp và phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 .

Do đó, việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội nhằm thu thập thêm những đóng góp của các đại biểu, giúp thành phố có thêm cơ sở, căn cứ hoàn thiện các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân tài, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

18.jpg

Các đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án thu hút và trọng dụng nhân tài TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố nhận định: Về cơ bản, dự thảo Đề án trên đã có 3 lần tiếp thu các ý kiến từ sở, ngành và được hoàn thiện một bước đáng kể nội dung Đề án. Dự thảo mới đã phân tích rõ những chính sách của Trung ương, Hải Phòng và một số địa phương khác làm căn cứ so sánh các đề xuất các chính sách mới của Hải Phòng. Các chính sách đặt ra nhìn chung hợp lý, cân đối giữa các nhóm đối tượng, xác định khả năng bố trí nguồn lực và có tính khả thi.

Nhằm hoàn thiện hơn nữa nội dung dự thảo, tại hội nghị, các đại biểu bổ sung, đóng góp thêm các ý kiến liên quan đến: Kết cấu đề án; đối tượng, phạm vi, quan điểm, giải pháp thu hút trọng dụng nhân tài; mục tiêu cụ thể của Đề án; giải pháp cụ thể khi triển khai chính sách… Một số ý kiến cho rằng Đề án cần tham chiếu thêm nội dung tại Nghị định 140/2017 của Chính phủ quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân có hoạt động khoa học, công nghệ, đối tượng được trọng dụng.

Để hiện thực hoá nội dung Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, một trong những nhóm giải pháp được ưu tiên là: Nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng; xây dựng, phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáo ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước.