Khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu dân cư như thế nào?
Công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy ý kiến đóng góp của người dân trong thời gian 2 tháng.
Theo dự thảo, cơ quan nhà nước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải chỉ định cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách.
Cán bộ đầu mối phụ trách có trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi quá trình kết nối, phối hợp, xử lý các vấn đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia do đơn vị quản lý.
Đồng thời tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin; các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu; quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm dữ liệu chia sẻ phải có khả năng gửi, nhận, lưu trữ, xử lý được bằng thiết bị số…
Căn cước công dân gắn chíp (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, nếu khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không mất phí khai thác thông tin, nhưng phải trả phí sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của bên cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đối với công dân thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia, có 2 loại tài khoản có thể đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia và tài khoản cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử.
Công dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 trực tuyến thực hiện cài đặt và đăng ký tài khoản ứng dụng VNEID.
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu theo thẩm quyền; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền từ chối đề nghị chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu nếu đề nghị cung cấp thông tin, dữ liệu không phù hợp với quy định; đồng thời nêu rõ lý do từ chối và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết vướng mắc.
Bộ Công an đề xuất dữ liệu danh mục dùng chung nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ ở dạng điện tử các danh mục dùng chung của các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả và tạo sự thống nhất trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin gồm 11 thông tin: 1. Nhóm máu; 2. Giới tính; 3. Dân tộc; 4. Tôn giáo; 5. Tình trạng hôn nhân; 6. Quốc tịch; 7. Quốc gia; 8. Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; 9. Quận/huyện/thị xã; 10. Xã/phường/thị trấn; 11. Quan hệ với chủ hộ.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khai-thac-thong-tin-ca-nhan-trong-co-so-du-lieu-dan-cu-nhu-the-nao-20220303173017773.htm
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam