Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính
Xây dựng và phát triển văn hóa liêm chính là nội dung quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, được cộng hưởng với quyết tâm không ngừng, không nghỉ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
1. Theo Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về "Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới", "liêm" có nghĩa là “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; "chính" là “Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”.
Liêm và chính là những phẩm chất trung tâm, cốt lõi trong chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người trọng liêm, chính thì không tham ô, tham nhũng, tiêu cực; người bất liêm, bất chính thì “việc gì cũng có thể làm”. Đối với cán bộ, đảng viên, phẩm giá, danh dự có hay không, còn hay mất chủ yếu do liêm, chính hay không liêm, chính mà quyết định. Các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, các thế hệ cán bộ, đảng viên có công lao với đất nước được lịch sử ghi nhận, được nhân dân ghi nhớ, biết ơn trong lòng, thì cũng luôn luôn gắn với hai từ “liêm, chính”. Một người dù có công lao đến đâu nhưng nếu không giữ được liêm, chính nữa thì chẳng khác gì trở thành tội đồ, tội phạm, thành vết nhơ của gia đình, dòng họ, của tổ chức. Những năm qua, nhờ chiến dịch “đốt lò” do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, có những “gương tày liếp” về hệ lụy khôn lường khi cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo bất liêm, bất chính, suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Người nhẹ thì bị cảnh cáo, cách chức, phải tự nguyện rút lui khỏi chức vụ; người nặng thì phải ra trước vành móng ngựa, bẽ bàng giữa bàn dân thiên hạ vì “mất tất cả”.
Vẫn biết liêm, chính quan trọng, cần thiết là như thế, nhưng cái lợi nhờ bất liêm, bất chính lại thường làm lóa mắt, khiến không ít người không đủ bản lĩnh vượt qua. Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, do chưa làm tốt trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Vừa qua, chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo đã lưu ý 5 nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí yêu cầu kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực...
Đây là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng”, xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là giải pháp xây, nhiệm vụ phòng có ý nghĩa gốc rễ, căn cơ, lâu dài.
2. Xây dựng văn hóa liêm chính ở đây phải được hiểu trước hết là xây dựng trong hệ thống chính trị, trong đội ngũ cán bộ, nhưng đồng thời cũng không tách rời văn hóa đạo đức xã hội và trách nhiệm tham gia của người dân.
Thành công trong xây dựng văn hóa liêm chính là khi liêm, chính trở thành đặc điểm nổi trội của hệ thống chính trị và xã hội, là “màu sắc” tiêu biểu thể hiện hằng ngày qua phong cách, lối sống, lời nói, việc làm, thái độ ứng xử của các thành viên. Liêm chính có thể trở thành thương hiệu, khiến người ở trong thì tự hào, người ở ngoài thì mến phục.
Để xây dựng được văn hóa liêm chính như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu rõ, trước hết cần phải kiên trì. Vì văn hóa không thể hình thành trong ngày một, ngày hai, mà cần bồi đắp. Văn hóa cũng không tự nhiên hình thành theo thời gian mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể, có sáng tạo, có cống hiến, hy sinh.
Xây dựng văn hóa liêm chính phải đặt trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ở đây cần hiểu rằng, xây dựng văn hóa liêm chính là giải pháp phòng, hướng tới mục tiêu làm cho con người “không muốn tham nhũng”. Song song với đó là tập trung thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần tham nhũng". Trọng tâm cấp bách trước mắt trong những giải pháp này là tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện cải cách tiền lương.
Đạo đức công vụ hay đạo đức công dân, đạo làm quan hay đạo làm người xét cho cùng là một thể thống nhất làm nên phẩm giá, danh dự của mỗi cá nhân. Cho nên, văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị hay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải dựa trên nền tảng của xã hội đề cao giá trị đạo đức, lấy trung thực làm cốt lõi. Đó là xã hội mà hầu hết mọi người nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của sống thiện và hướng thiện. Do đó, cần tiếp tục vun trồng những giá trị văn hóa, văn hiến, đạo đức ở cả 3 nơi là gia đình, nhà trường và xã hội.
Chúng ta mong rằng, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, sự tham gia của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì đông đảo người dân cũng tự giác hưởng ứng, coi đây là bổn phận, là nghĩa vụ với quê hương, đất nước. Mỗi người từ cán bộ đến nhân dân thật sự dám sống liêm chính, “thượng tôn pháp luật”, kiên quyết “nói không” với tham nhũng, tiêu cực.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay