Mọi chú ý đổ dồn về tỷ giá
Không phải ngẫu nhiên, mọi chú ý đổ dồn về tỷ giá vào giai đoạn cuối năm, bởi nhu cầu nhập hàng để sản xuất cũng như tiêu dùng. Tuy nhiên, năm nay, yếu tố gây áp lực lên nhu cầu ngoại tệ mạnh hơn còn đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trên thị trường chứng khoán.
Tỷ giá USD/VND đã bật tăng trở lại từ đầu tháng 10 sau hai tháng giảm liên tiếp.
Khối ngoại miệt mài rút ròng
Tuần qua, khối ngoại duy trì đà bán ròng 6 tuần liên tiếp trên thị trường chứng khoán, với giá trị bán ròng đạt 4.026 tỷ đồng. Trong tuần, khối ngoại ghi nhận bán ròng cả 5/5 phiên giao dịch.
Theo thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ngoại trừ tháng 1/2024, khối ngoại đã bán ròng 19/20 tháng qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam và 88.000 tỷ đồng đã được khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay.
Đà bán ròng triền miên của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND có sự gia tăng trong 2 năm gần đây.
Cũng theo thống kê của MBS, các quỹ ETF thu hẹp quy mô rút vốn trong tháng 10, với giá trị rút ròng 300 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm nay, nhưng đây vẫn là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các quỹ ETF rút ròng 21.200 tỷ đồng, tương đương giảm 28% tổng tài sản so với cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 58.700 tỷ đồng.
Áp lực rút vốn vẫn tập trung nhiều nhất ở Quỹ Fubon (rút ròng 246 tỷ đồng) và Quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (rút ròng 199 tỷ đồng). Trong khi đó, Quỹ VanEck duy trì cường độ rút ròng với giá trị 92 tỷ đồng trong tháng 10.
Dù nhiều ETF nội đã có tín hiệu tích cực hơn, giúp cân bằng lại dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh các quỹ ETF ngoại vẫn duy trì trạng thái rút ròng, nhưng thị trường vẫn có cái nhìn thận trọng đối với dòng vốn ETF và chỉ kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ tích cực hơn trong năm 2025.
Trái với tín hiệu khả quan trong tháng 9, các quỹ chủ động đẩy mạnh rút ròng trong tháng 10 với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng, đến từ cả quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam hay nhóm quỹ đa quốc gia, ngoại trừ nhóm quỹ ở Thái Lan. Xu hướng trên cũng tương đồng với trạng thái mua/bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.
Trong diễn biến có liên quan, cuối tháng 9/2024, Commonwealth Bank of Australia (CBA) xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ của VIB, thu về khoảng 160 triệu USD (khoảng 2.700 tỷ đồng). Công bố của TPBank cho biết, cập nhật đến ngày 30/9/2024, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Ngân hàng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng cũng như sức hấp dẫn của các thị trường đang phát triển đi xuống là một trong những lý do khiến dòng tiền của quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam kém tích cực trong tháng 10 hay xuyên suốt năm 2024.
Tỷ giá, chủ điểm chính trên thị trường tiền tệ
Trong tháng 10, tỷ giá USD/VND đã bật tăng hơn 700 đồng/USD (tương đương 3%) sau hai tháng giảm liên tiếp. Đà tăng của tỷ giá USD/VND cũng tương đồng với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, mặc dù mức độ có phần thấp hơn, đặc biệt so với một số đồng tiền như JPY, KRW, THB, MYR. So với đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4,4%.
Việc cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi đầu tháng 11/2024 đã đẩy chỉ số DXY lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Tại ngày 20/11/2024, chỉ số DXY đạt mức 106,7 điểm, tăng khoảng 2,6% so với cuối tháng trước và vẫn trong xu hướng đi lên.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm qua nhưng cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,0% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025.
Tuy vậy, dưới góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đà tăng của đồng USD sẽ vấp phải một số lực cản như kỳ vọng về tác động của chính sách mới tại Mỹ có thể sẽ điều chỉnh khi chính quyền kế nhiệm dần hé lộ cách thức tiếp cận cụ thể hơn và triển vọng kinh tế nước này không lạc quan như dự báo.
Các nhà phân tích hy vọng, các chính sách về nhập cư, thuế quan và thương mại dưới thời ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến.
Thêm vào đó, một lượng lớn trái phiếu chính phủ sẽ đáo hạn trong tháng 11/2024, điều này có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, mặc dù tác động có thể hạn chế vì Kho bạc Nhà nước đã huy động được 1,83 tỷ USD để đáp ứng các nghĩa vụ này.
Dù tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng trong thời gian qua, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Maybank vẫn duy trì quan điểm áp lực lên tỷ giá sẽ không kéo dài. Hơn nữa, thặng dư thương mại 2 tỷ USD trong tháng 10 cộng với việc Fed cắt giảm lãi suất gần đây và dự báo sẽ có thêm một lần cắt giảm nữa trong tháng 12 sẽ góp phần hạ nhiệt tỷ giá trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, TS. Nghĩa kỳ vọng: “Như thường lệ, nguồn cung ngoại tệ trong nước có thể dồi dào trở lại nhờ kiều hồi và thặng dư thương mại, sau khi các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu trở lại vào cuối năm. Theo đó, áp lực tăng lên tỷ giá chững lại, xu hướng tăng nhanh và mạnh của tỷ giá những tháng trước sẽ khó có thể diễn ra trong thời gian tới”.
Dẫu vậy, trong năm 2025, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với hai luồng gió ngược là rủi ro tăng trưởng thương mại do thuế quan và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ cao hơn. Vì vậy, thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc chênh lệch lợi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn về Mỹ sẽ là chủ đề chính trong năm sau.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm qua nhưng cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,0% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025.
Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8 - 10 tỷ USD). Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.
“Áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025, ngoài chịu ảnh hưởng của việc USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung - cầu ngoại tệ. Do đó, trong kịch bản cơ sở Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025, tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà Ngân hàng Nhà nước đang đặt ra”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững