Nâng hạng chứng khoán – Những chuyển động được tổ chức xếp hạng ghi nhận
- FTSE Russell tiếp tục duy trì thị trường chứng khoán Việt Nam trong Danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Tổ chức này đã đánh giá tích cực quyết tâm và các giải pháp nâng hạng của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh về Thông tư 68/2024/TT-BTC. Nhiều đánh giá cho thấy, đây là sự ghi nhận tích cực của FTSE Russell và triển vọng Chứng khoán Việt được nâng hạng đang gần hơn vào năm 2025.
FTSE Russell tiếp tục duy trì thị trường chứng khoán Việt Nam trong Danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Ảnh: Chu Duy |
Ghi nhận tích cực, điểm nhấn ở Non–Prefunding
FTSE Russell mới đây đã công bố báo cáo xếp hạng các thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 10/2024, trong đó, Việt Nam tiếp tục trong danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường nổi thứ cấp. FTSE Russell sẽ cập nhật về tình trạng danh sách chờ xét hạng của Việt Nam được đưa ra vào kỳ đánh giá giữa kỳ tháng 3/2025.
Thanh khoản có thể cải thiện nhờ quỹ ngoại Điểm sáng trong tháng 9/2024 là Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền. Sản phẩm này cũng giúp các quỹ đầu tư nước ngoài có thể chủ động dòng tiền và từ đó cải thiện thanh khoản giao dịch. |
Báo cáo của FTSE Russell tiếp tục chỉ rõ, quyết tâm hướng đến nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn luôn được duy trì một cách kiên định từ sau kỳ công bố đánh giá thường niên vào tháng 9/2023 và mới đây được tái khẳng định bởi chính Thủ tướng Chính phủ. Vào ngày 28/2/2024, Thủ tướng đã cam kết một cách cụ thể rằng, thị trường Việt Nam sẽ gỡ bỏ những rào cản có thể cản trở việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng (lên thị trường mới nổi) của FTSE vào năm 2025.
Các biện pháp đưa ra bao gồm việc sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ bỏ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Ví dụ như hiện nay, Chính phủ đang rà soát về tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở các ngành nghề và đơn giản hoá quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mô hình thanh toán “Không yêu cầu có đủ tiền” (Non–Prefunding) như đề xuất đang được xem xét, điều chỉnh, với sự tham gia và phối hợp của nhóm thành viên thị trường cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi đối với nhiều nội dung quy định. Thông tư này đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cập nhật mới nhiều quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán và bù trừ, hoạt động của các công ty chứng khoán và công bố thông tin.
Tốc độ cải cách duy trì, mục tiêu sẽ đạt được
Báo cáo của FTSE Russell cho biết thêm, công bố có liên quan tiếp theo được chờ đợi là các quy chế hoạt động chi tiết hơn của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC). FTSE Russell tiếp tục khuyến khích tổ chức các cuộc họp, làm việc giữa các cơ quan tổ chức của Việt Nam với cộng đồng đầu tư quốc tế, đảm bảo những quy chế này đáp ứng được yêu cầu của các thành viên quốc tế và trong nước tham gia trên thị trường khi chính họ là những bên áp dụng những quy chế này.
“Nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025 như đề ra bởi Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng đó là tốc độ thay đổi, cải cách cần được duy trì. Những quy chế sửa đổi cần được sớm thống nhất và thông tin rộng rãi, bao gồm xác định rõ về vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cũng như lộ trình thực hiện với các mốc thời gian cụ thể” - FTSE Russell lưu ý.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện VSDC thông tin, hiện VSDC đang tích cực hoàn thiện các quy chế liên quan để các đơn vị liên quan triển khai giải pháp cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh giao dịch mà không yêu cầu có đủ 100% tiền mặt. Đặc biệt, đại diện lãnh đạo VSDC khẳng định, các quy chế liên quan sẽ được ban hành, đảm bảo theo đúng tiến độ và thời hạn có hiệu lực của Thông tư 68/2024/TT-BTC là ngày 2/11/2024.
Cùng với VSDC và ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán (CTCK) sẽ đóng vai trò then chốt trong triển khai giải pháp Non–Prefunding. Theo ghi nhận của phóng viên qua trao đổi với một số lãnh đạo CTCK, hiện nhiều công ty cũng đang tốc lực để chuẩn bị cung cấp dịch vụ này.
Đồng hành với cơ quan quản lý từ những ngày đầu, CTCK đã từng bước xây dựng cơ chế quản trị rủi ro, quy trình và hệ thống vận hành giải pháp giao dịch và năng cao năng lực vốn. Bên cạnh đó, các CTCK trong nước sẽ phối hợp trực tiếp với các định chế tài chính lớn nước ngoài nhằm đơn giản hóa quy trình giao dịch cho khách hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán SSI, từ phía SSI, bên cạnh việc tăng cường kết nối với các định chế tài chính lớn, công ty đã triển khai và hoàn thiện việc xây dựng quy trình, hệ thống vận hành, cơ chế quản trị rủi ro và đồng thời đang ở những bước cuối để hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Đối với quy trình nghiệp vụ với ngân hàng lưu ký và VDSC, SSI cũng tích cực phối hợp để hoàn thiện quy trình.
“Nhìn chung, từ phía các CTCK và SSI nói riêng, việc kiểm soát rủi ro và tính tuân thủ luôn được đặt lên hàng đầu và với thế mạnh về bảng cân đối tài sản lớn, chúng tôi luôn đảm bảo nguồn vốn dồi dào để có thể triển khai giải pháp Non–Prefunding một cách an toàn và hiệu quả” – bà Hằng nói./.
\
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán