Ngân hàng Nhà nước công bố chính thức 2 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc
Mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nay đến cuối năm đó là vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ cởi mở nhằm hỗ trợ lãi suất, tỷ giá ổn định cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển.
Tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 diễn ra chiều 17/10, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, giám sát, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, NHNN sẽ công bố lễ chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc vào 16h chiều nay tại NHNN.
Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng chuyển giao về Vietcombank và Ngân hàng Đại Dương chuyển giao về MB. Tiếp theo đó, DongA Bank đang được cơ quan quản lý chỉ đạo ngân hàng nhận chuyển giao rà soát và cố gắng sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất.
“Quyền lợi của người gửi tiền trước, trong và sau chuyển giao bắt buộc được đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định của Nhà nước”, ông Long nói.
Toàn cảnh buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 |
Tại Họp báo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Trước đó, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo. Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 9%, huy động khoảng 5,28%. Cụ thể hơn, cho vay đạt 14,7 triệu tỷ đồng và huy động khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lãnh đạo NHNN cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, Phó thống đốc cho biết, vấn đề này được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Đáng chú ý, dư nợ của các TCTD bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) khoảng 165.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.
Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số, thông tin của NHNN cho biết, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Đến nay, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Số liệu hoạt động thanh toán trong 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 cho thấy, giao dịch TTKDTM tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 50,85% và 33,15%; qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% và 36,60%, qua QR.
Nhà điều hành tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng.
Về nhiệm vụ ngân hàng những tháng cuối năm, Phó thống đốc cho biết, mục tiêu quan trọng nhất vẫn được duy trì đó là điều hành chính sách tiền tệ cởi mở nhằm hỗ trợ lãi suất, tỷ giá ổn định cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, rà soát, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Song song với đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM; các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định 52/2024/NĐ-CP; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán