Nhà đầu tư bất ngờ mua mạnh cổ phiếu bất động sản, VN-Index đảo chiều tăng điểm
Dòng tiền đột ngột tìm đến nhóm bất động sản và thúc đẩy nhiều mã khởi sắc, trong khi nhóm trụ cột ngân hàng đứng vững, làm điểm tựa giúp VN-Index có phiên đảo chiều tăng điểm thành công.
Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thanh khoản thấp, một phần ảnh hưởng do là phiên đáo hạn phái sinh, thị trường bước vào phiên chiều nới thêm đà giảm về gần 1.270 điểm. Ngay tại ngưỡng điểm này, lực cầu nhập cuộc dần, kéo bảng điện tử tích cực hơn, cũng như nhóm bluechip cân bằng trở lại, qua đó, giúp VN-Index trồi dần lên tham chiếu.
Đáng kể ở nửa sau của phiên là dòng tiền bất ngờ đổ mua mạnh các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, kéo nhiều mã quen thuộc như DXG, PDR, DIG, QCG…tăng mạnh. Trong khi nhóm trụ cột ngân hàng có sự đồng thuận cao, góp thêm phần thúc đẩy chỉ số nới đà tăng và vượt lên trên 1.285 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HOSE có 224 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 7,04 điểm (+0,55%), lên 1.286,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 685,2 triệu đơn vị, giá trị 15.695,9 tỷ đồng, tăng gần 27% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 67,4 triệu đơn vị, giá trị 1.695,5 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù không tăng mạnh, nhưng vốn là những trụ cột, đóng góp tỷ trọng lớn, nên chỉ cần sự đồng thuận cao đã là tiền đề giúp tâm lý thị trường ổn định hơn. Trong đó, ngoài HDB giảm nhẹ và NAB đứng tham chiếu, thì còn lại đều kết phiên trong sắc xanh.
Theo đó, cổ phiếu tăng tốt nhất là MSB khi +3,94% lên 13.200 đồng, khớp gần 23,9 triệu đơn vị. Theo sau là STB +3% lên 34.600 đồng, TPB +2,3% lên 17.900 đồng. Các mã VIB, LPB, ACB, MBB, EIB nhích 1% đến gần 2%.
Thanh khoản nhóm ngân hàng nhiều mã thuộc top cao nhất thị trường, với STB khớp 27,2 triệu đơn vị, VPB khớp 22,7 triệu đơn vị, TPB khớp 22,4 triệu đơn vị, các mã MBB, VIB, SHB, EIB khớp từ hơn 11,6 triệu đến gần 19,9 triệu đơn vị.
Nhóm các mã bất động sản vừa và nhỏ bật tăng, với DXG, PDR và NHA kết phiên ở mức giá trần, với DXG vươn lên khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 27,9 triệu đơn vị, PDR khớp 12,4 triệu đơn vị, cả hai còn dư mua giá trần lần lượt 1,07 triệu và 2,72 triệu đơn vị, còn NHA khớp được hơn 1,3 triệu đơn vị.
Tăng tích cực khác còn DIG +5,3% lên 21.050 đồng, QCG +5,2% lên 9.600 đồng, SCR +4,7% lên 5.530 đồng, DXS +4,6% lên 5.750 đồng, KPF +4,5% lên 1.850 đồng, HDC +4,4% lên 26.400 đồng. Các cổ phiếu NVL, LDG, NTL, SGR, NO1, EVG, HPX tăng từ 2,5% đến gần 5%...
Ở chiều ngược lại, chỉ còn số ít cái tên giảm đáng kể như CIG -5% xuống 5.480 đồng, VPH -4,9% xuống 9.120 đồng, khớp đều khoảng 0,45 triệu đơn vị mỗi mã.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng cũng đã giúp HNX-Index bật lên tăng điểm và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 87 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,81%), lên 230,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50 triệu đơn vị, giá trị gần 963 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,5 triệu đơn vị, giá trị 8,2 tỷ đồng.
Các cổ phiếu đáng chú ý vẫn là những mã bất động sản, trong đó, CEO nổi bật khi +6,2% lên 15.400 đồng, khớp 7,62 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác như SHS, MBS, PVS, BAB, KSF đều nhích lên, dù mức tăng chỉ trên dưới 1%. Trong đó, SHS là cổ phiếu khớp lệnh dẫn đầu sàn với 8,36 triệu đơn vị.
Số ít còn giảm là IDC, AAV, HJS, DVM, nhưng mức giảm không lớn, trong khi MST, NRC, HUT đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã trồi lên trên tham chiếu ở nửa sau của phiên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,41%), lên 92,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,4 triệu đơn vị, giá trị 328,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 98,3 triệu đơn vị, giá trị 1.547,3 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là gần 94 triệu cổ phiếu MSR ở mức giá trần, trị giá hơn 1.456,6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu HNG, VGT, OIL, BCR, AAH, ABB đảo chiều và tăng trên dưới 2%, khớp 0,7 triệu đến hơn 1,89 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút thanh khoản nhất khi có hơn 5,6 triệu đơn vị, nhưng chỉ có giá tham chiếu 22.700 đồng khi đóng cửa.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng đáo hạn hôm nay là VN30F2410 tăng 3,7 điểm, tương đương +0,27% lên 1.358,3 điểm, khớp lệnh hơn 162.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, nhóm các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất đều tăng. Trong đó, CMWG2314 khớp 3,8 triệu đơn vị và tăng 0,6% lên 1.580 đồng/cq, CFPT2314 khớp 3,07 triệu đơn vị và tăng 1,5% lên 6.090 đồng/cq, CSTB2404 với hơn 2,3 triệu đơn vị và tăng 11,5% lên 1.450 đồng/cq.
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững