Phiên giao dịch chứng khoán chiều 16/2: Dòng tiền đầu cơ trở lại
Dù chưa trở lại mạnh mẽ như những tháng cuối năm 2021, nhưng dòng tiền đầu cơ đã phát tín hiệu trở lại, kéo nhiều mã thị trường khoe sắc tím trong phiên hôm nay (16/2).
Sau phiên khởi sắc chào Xuân mới tạo một gap lớn (7/2), thị trường trải qua các phiên sau đó khá cân bằng, với việc nhiều nhóm ngành như ngân hàng, thép, dầu khí, thay nhau dẫn dắt một vài phiên rồi nhanh chóng vụt tắt.
Trong phiên đầu tuần mới, với việc nhóm ngân hàng bị xả mạnh, thị trường có phiên lao dốc gần 30 điểm, lấp xong gap đã tạo ra trong phiên chào Xuân. Phiên lấp gap này tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư về việc thị trường sẽ vững vàng để đi lên, chinh phục các ngưỡng kháng cự, thậm chí có thể chinh phục đỉnh cũ vùng 1.530 điểm.
Kỳ vọng này phần nào đã được thể hiện trong phiên hôm qua (15/2) khi VN-Index tăng mạnh, lấy lại được hơn 20 điểm với sự hỗ trợ của MSN và nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là điểm trừ khi dòng tiền chưa thật sự quay lại khiến phiên hồi phục này thiếu thuyết phục.
Trong phiên sáng nay, sau khi tăng mạnh lên test lại 1.500 điểm bất thành, VN-Index lùi xuống và lình xình quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên và đóng cửa với sắc xanh nhạt khi nhóm dầu khí bị bán mạnh sau khi giá dầu thô giảm 4% trong phiên giao dịch tối qua theo giờ Việt Nam, cùng với đó là MSN đảo chiều sau phiên thăng hoa hôm qua và nhóm ngân hàng trở lại sắc đỏ gây sức ép cho thị trường.
Điểm sáng là nhóm bất động sản, xây dựng trở lại rất mạnh mẽ với nhiều sắc tím hoặc sắc xanh đậm đã xuất hiện như DIG, SCR, NBB, CII…
Bước vào phiên chiều, diễn biến của chỉ số chung không có nhiều thay đổi khi VN-Index vẫn lình xình quanh tham chiếu với dòng tiền vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, dù chưa quay lại mạnh như các tháng cuối năm 2021, nhưng điểm đáng chú ý là dòng tiền đầu cơ đã có dấu hiệu trở lại với các mã thị trường, nhất là các mã bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, kéo hàng loạt mã tăng trần trong phiên hôm nay, tiêu biểu như nhóm cổ phiếu họ FLC, QCG, CII, SCR, SGR, DRH, NBB, LDG, NHA, DIG, hay nhiều mã khác sát trần như UDC, DLG, ASM, HQC, ITC, TTF, HAR, LCG…
Trong khi đó, các mã lớn như nhóm dầu khí, ngân hàng, MSN, VIC vẫn tạo sức ép lớn khiến VN-Index không thể có được sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt và VN-Index vẫn nằm trên đường MA20 và M50, trong đó đường MA50 đang có hướng đi lên, còn MA20 cũng bắt đầu đi ngang sau khi có chiều hướng giảm từ giữa tuần trước.
Chốt phiên, VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,04%), xuống 1.492,1 điểm với 249 mã tăng, trong đó có thêm 10 mã tăng trần, lên 23 mã. Ở chiều ngược lại, số mã giảm ít hơn 8 mã so với phiên sáng với 183 mã và cũng chỉ có duy nhất PDN vẫn ở mức sàn với lệnh tối thiểu ở mức giá này được thực hiện trong phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 702,5 triệu đơn vị, giá trị 20.046 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 85 triệu đơn vị, giá trị 2.317,7 tỷ đồng.
Như đã đề cập, dòng tiền đầu cơ quay trở lại giúp nhiều mã thị trường trong nhóm bất động sản khoe sắc tím, trong đó FLC là mã nổi bật nhất với thanh khoản 32,84 triệu đơn vị, còn dư mua trần (12.500 đồng) tới hơn 9,3 triệu đơn vị. “Người anh em” ROS cũng lên trần 7.980 đồng, khớp 15,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.
Các mã khác trong họ như HAI, AMD dù không có sắc tím, nhưng cũng tăng mạnh như HAI tăng 6% lên 6.050 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị, AMD tăng 6,4% lên 6.190 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị.
Ngoài họ FLC, nhóm bất động sản, xây dựng còn có nhiều sắc tím khác như LDG tăng trần lên 18.050 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị, dư mua trần gần 750.000 đơn vị; SCR lên 29.200 đồng, khớp 11,4 triệu đơn vị, dư mua trần 815.000 đơn vị; CII lên 20.950 đồng, khớp 11,2 triệu đơn vị, dư mua trần gần 1 triệu đơn vị; “con” NBB cũng tăng trần lên 30.800 đồng, khớp 2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 820.000 đồng.
Các mã thị trường khác cũng có sắc xanh đậm, ngoài nhóm bất động sản đã liệt kê còn có GEX tăng 5,5% lên 39.000 đồng, khớp 19,4 triệu đơn vị; TCH tăng 5,3% lên 21.850 đồng, khớp 12 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã khác cũng tăng tốt có BCG tăng 2% lên 23.450 đồng, khớp 10,1 triệu đơn vị. POW tăng nhẹ 0,6%, lên 18.200 đồng, nhưng thanh khoản tốt với 14,3 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí trong khi GAS vẫn giảm mạnh gần 2,5% xuống 114.500 đồng, thì PVD lại đảo chiều tăng 1,6% lên 31.100 đồng.
Nhóm ngân hàng, ngoài SHB và STB, có thêm MSB có sắc xanh với mức tăng 0,6% lên 26.850 đồng, dù khiêm tốn nhưng vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm. Trong khi STB tăng 0,3% lên 33.600 đồng, thanh khoản tốt nhất nhóm với 20,1 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, EIB vẫn là mã giảm mạnh nhất 3,9% xuống 35.800 đồng, BID vẫn là mã giảm mạnh thứ 2 với 2,3% xuống 45.150 đồng. Các mã giảm trên 1% có VIB, LPB, SSB.
Nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG không giữ được sắc xanh, trở lại tham chiếu, thì HSG lại đảo chiều tăng 1,4% lên 36.450 đồng; POM tăng 1,4% lên 14.600 đồng; SMC tăng 1% lên 39.000 đồng.
Nhóm phân bón với 2 đại diện chính là DPM và DCM đều tăng mạnh với thông tin giá dầu, khí giảm, trong đó DPM tăng 3,9% lên 48.400 đồng, DCM tăng 3% lên 30.700 đồng.
Trong khi đó, HAG bị bán mạnh hơn trong phiên chiều nên nới rộng đà giảm, đóng cửa giảm 4,7% xuống 11.100 đồng, khớp 14 triệu đơn vị. Nhiều nhà đầu tư mua đuổi HAG hôm qua đã chịu lỗ khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản.
Trong khi đó, HNX vẫn duy trì đà tăng vững chắc với sự trợ giúp đắc lực của CEO và L14, trong khi ở chiều ngược lại, lực cản là không lớn, chỉ mức rất nhỏ của KSF, BAB, VNT và PHP.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,25%), lên 429,12 điểm với 139 mã tăng (10 mã trần, nhiều hơn 2 mã so với phiên sáng) và 86 mã giảm (4 mã sàn, nhiều hơn 3 mã). Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,6 triệu đơn vị, giá trị 2.417,7 tỷ đồng, tăng 58% về khối lượng và 46% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,9 triệu đơn vị, giá trị 324,8 tỷ đồng.
Cùng chung làn sóng bất động sản, cổ phiếu CEO đã được kéo lên mức trần 66.900 đồng khi chốt phiên hôm nay, thanh khoản 6,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần. Cùng với đó có thêm PVL cũng giữ vững mức trần 12.900 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần.
Trong khi đó, L14 dù không có sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng tới 9% lên 397.900 đồng, nhưng thanh khoản thấp, 110.500 đơn vị.
Các mã chứng khoán có SHS hạ độ cao, chỉ còn tăng 1% lên 41.500 đồng, khớp 3,17 triệu đơn vị, MBS cũng chỉ còn tăng 1,8% lên 33.700 đồng, khớp hơn 554.000 đơn vị. APS tăng 4,1% lên 33.300 đồng, khớp 1,79 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn chỉ có 3 mã giảm nhẹ là KSF, BAB và PVS giảm dưới 1%. Trong đó, PVS giảm 0,3% xuống 29.200 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị, cao nhất sàn, trong khi phiên sáng giảm 2%. Các mã lớn khác tăng giảm không đáng kể.
Các mã đáng chú ý khác, có KLF tăng 5% lên 6.300 đồng, khớp 8,48 triệu đơn vị. “Người anh em” ART cũng tăng 3,8% lên 10.800 đồng, khớp 2,75 triệu đơn vị. Ngoài ra, có IDJ tăng 3,6% lên 31.800 đồng, khớp 2,36 triệu đơn vị.
UPCoM sau những phút đầu rung lắc, đã bật tăng mạnh cuối phiên chiều và chốt phiên với mức tăng khá tốt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,52%), lên 111,8 điểm với 197 mã tăng (9 mã trần) và 118 mã giảm (8 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,8 triệu đơn vị, giá trị 1.310,8 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Nhóm dầu khí trên thị trường này cũng hãm bớt đà giảm khi BSR chỉ còn giảm 2,2% so với mức giảm 3,7% của phiên sáng, đóng cửa ở mức 26.400 đồng, khớp 19,9 triệu đơn vị, cao nhất UPCoM. OIL cũng chỉ còn giảm 1,6% so với mức giảm 2,2% của phiên sáng, đóng cửa ở mức 18.100 đồng, khớp 2,23 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VHG nới đà tăng lên 7,1%, đóng cửa ở mức 9.100 đồng, khớp 5,05 triệu đơn vị; C4G vẫn tăng 3,5% lên 20.600 đồng, khớp 2,38 triệu đơn vị, SBS tăng 1,5% lên 13.600 đồng, khớp 2,35 triệu đơn vị; ABB tăng 1,2% lên 17.500 đồng, khớp 1,76 triệu đơn vị; VGT tăng 1,6% đóng cửa 26.100 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 9, còn lại đều giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm nhẹ hơn. Cụ thể, VN30-Index giảm 5,89 điểm (-0,39%), xuống 1.521,47 điểm với 10 mã tăng, 15 mã giảm và 5 mã đứng giá, còn hợp đồng đáo hạn ngày mai VN30F2202 giảm 1 điểm (-0,07%), xuống 1.521 điểm với 153.863 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.073 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng mức biến động của các mã hôm nay không lớn, trong đó 3 mã giảm mạnh nhất đều do VCSC phát hành, nhưng mức giảm cũng chưa tới 20%. Ở chiều ngược lại, mã CVRE2112 do SSI phát hành tăng mạnh nhất cũng chỉ hơn 14% lên 1.370 đồng, thanh khoản 268.100 đơn vị. Hôm nay không có mã nào có thanh khoản tới 2 triệu đơn vị, có 3 mã thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CHPG2201, CSTB2201 và CNVL2104 đều do KIS phát hành, trong đó 2 mã giảm, 1 mã tăng, nhưng mức tăng giảm thấp, chỉ trên dưới 2%.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chung-khoan-chieu-16-2-dong-tien-dau-co-tro-lai-post291299.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại