Bộ Tài chính vừa đăng tải dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Trong đó, dự thảo đã có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định Luật Chứng khoán để tăng chất lượng phát triển thị trường. |
Nâng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo
Theo cơ quan soạn thảo dự thảo đề cương, Luật Chứng khoán hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm đầy đủ các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo; cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo; tổ chức tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán; doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá; tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận các tài liệu trong hồ sơ.
Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tuy vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán 2019, nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn và kiến tạo tương lai cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. |
Chính vì vậy đã dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân chưa ý thức được trách nhiệm của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước mất nhiều thời gian xem xét, xử lý hồ sơ chào bán, ảnh hưởng đến tiến độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, Luật Chứng khoán hiện hành chưa quy định cụ thể, đầy đủ, minh bạch trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, ảnh hưởng đến thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, cũng như chưa đầy đủ cơ sở để xử lý đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chứ phát hành, niêm yết trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư.
Do vậy, tại dự thảo đề cương lần này đã bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo. Cụ thể, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận… liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Luật hóa quy định về hành vi thao túng
Theo cơ quan soạn thảo, thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, có những nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch 1 hoặc một số ngày (có thể không liên tục) nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó.
Vì vậy, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để đảm bảo cho phù hợp với các hành vi thực tế diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
|
Cùng với đó, hiện chưa có quy định nghiêm cấm người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật, cũng gây khó khăn trong xử lý, phòng ngừa hành vi vi phạm này trên thị trường chứng khoán.
Chính vì vậy, tại dự thảo đề cương lần này đã sửa đổi, bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP bao gồm, cụ thể các hành vi như: mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự...
Dự thảo cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng./.