Sự hy sinh thầm lặng ấy đong đếm bao nhiêu cho đủ!
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy cam go này, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ ngành y tế là không thể đong đếm được.
Hôm nay, ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), nhưng có rất nhiều bác sĩ, y tá đang chiến đấu trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và hàng trăm nghìn cán bộ y tế đang miệt mài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, không thể đón nhận bó hoa chúc mừng. Chúng tôi xin gửi tới họ - những chiến sĩ blouse trắng lời chúc mừng, lòng biết ơn, sự quý trọng và tri ân sâu sắc!
Không thể đong đếm hết những cống hiến, hi sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 suốt thời gian qua (Ảnh: Mạnh Quân).
3.000 cán bộ ngành y tế mắc Covid-19 trong quá trình tham gia chống dịch, 10 người đã hi sinh. Hàng triệu cán bộ y tế đã vắt kiệt sức lực trong các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị, trong các đợt truy vết, lấy mẫu, trong các chiến dịch tiêm chủng... Họ đã lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ chiến đấu và lặng lẽ hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại - đại dịch Covid-19.
Những người nằm xuống, những người quật cường đứng lên, tiếp tục lao vào cuộc chiến mới, mà ở đó là sinh mạng và sức khỏe của người bệnh, của nhân dân. "Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã từng nói như vậy về những người đồng nghiệp xung phong vào điểm nóng của dịch.
Ai đó đã nói, nghề y là nghề của nguy hiểm cận kề và là nghề của những hi sinh thầm lặng. Tôi nghĩ đúng nhưng chưa đủ, bởi, trong cuộc chiến chống Covid-19 này, họ - những chiến sỹ áo trắng, đã chiến đấu bằng 200% sức lực của mình, bằng cả trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, để giành giật sự sống từ tay tử thần và mang lại niềm vui, niềm hi vọng cho người bệnh và gia đình của họ.
Mệt không? Chắc chắn là mệt, bởi, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, dù ở vị trí nào, họ đều phải vắt kiệt sức mình trong bộ bảo hộ kín mít, để bảo vệ người bệnh, bảo vệ người dân và bảo vệ chính mình. Họ có buồn không? Chắc chắn là rất buồn. Những cuộc chi viện kéo dài hàng tháng trời, phải gác lại đám cưới, phải xa con nhỏ còn khát sữa, phải gửi gắm bố mẹ già yếu cho người thân để lên đường. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên điện thoại rồi vội vàng phải tắt đi vì con đòi mẹ. Những nén hương bái vọng từ nơi xa khi bố mẹ qua đời mà không thể về nhìn mặt lần cuối... Nước mắt của họ chảy ngược vào trong!.
Họ không có thời gian để ôm niềm đau riêng của mình, bởi bao sinh mạng, bao hi vọng của nhiều gia đình đang chờ họ phía trước. Họ bất lực khi bệnh nhân diễn tiến nặng, qua đời ngay trên tay mình, một người, hai người, rồi nhiều người..., trong đó có cả đồng nghiệp của mình.
Sự hy sinh thầm lặng ấy đong đếm bao nhiêu cho đủ, bù đắp bao nhiêu cho vừa?
Với sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước. Đặc biệt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo.
Cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 bước sang một giai đoạn mới, cũng không kém phần cam go và khốc liệt. Việc bao phủ vaccine cho phép triển khai điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà nhưng không vì thế mà khối lượng công việc của đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt là ở tuyến cơ sở bớt nặng nề hơn. Những cuộc điện thoại đêm khuya, những cuộc can thiệp y tế bất kể giờ giấc, những bữa cơm vội vã, những giấc ngủ chập chờn... Sức lực con người có hạn, nhưng trách nhiệm với nhân dân, với người bệnh đã khiến họ - những bác sỹ, nhân viên y tế vượt qua giới hạn bản thân, tận lực cống hiến.
Đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế trong công tác chống dịch Covid-19 vừa qua là không thể đong đếm được. Bởi vậy, cần có những đãi ngộ xứng đáng với sự dấn thân và hi sinh thầm lặng ấy, trong đó có vấn đề cải cách tiền lương và điều chỉnh, bổ sung các khoản phụ cấp đặc thù đối với cán bộ y tế tham gia chống dịch.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/su-hy-sinh-tham-lang-ay-dong-dem-bao-nhieu-cho-du-20220227091855182.htm
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam