Thách thức mục tiêu bao phủ bảo hiểm
Bên cạnh tích lũy tài sản để ổn định tài chính và lập kế hoạch nghỉ hưu, việc “có bảo hiểm đủ để bảo vệ” cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của tầng lớp trung lưu ngày nay - điều đang còn thiếu ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam.
Những “khoảng trống” trong lập kế hoạch tài chính
Khảo sát Chất lượng cuộc sống mới nhất của HSBC cho thấy, tầng lớp trung lưu châu Á ưu tiên ổn định tài chính và nhu cầu bảo vệ trong tâm thế lo lắng về chi phí sinh hoạt và các yếu tố liên quan đến sức khỏe. Nghiên cứu với sự tham gia của hơn 11.000 người thuộc tầng lớp trung lưu tại 11 thị trường trên thế giới cho thấy một mối lo toàn cầu về chi phí sinh hoạt gia tăng (theo chia sẻ của 68% người tham gia khảo sát) và tác động của lạm phát đối với tiền tiết kiệm (61%) có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống.
Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát ở châu Á cũng chú trọng đến các rủi ro liên quan đến sức khỏe, bao gồm chi phí y tế gia tăng (54%) và tác động của những vấn đề về sức khỏe thể chất (60%) và tinh thần (44%). Những mối lo này được phản ánh trong các ưu tiên về tài chính của tầng lớp trung lưu châu Á. Cũng giống như tầng lớp trung lưu ở những nơi khác, nhóm tham gia khảo sát ở châu Á coi “tích lũy tài sản để ổn định tài chính” (46%) và “lập kế hoạch nghỉ hưu” (43%) là 2 mục tiêu tài chính hàng đầu, tiếp đó là “có bảo hiểm đủ để bảo vệ” (41%).
Bà Kai Zhang - Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC cho biết, những thông tin này nhấn mạnh mối tương quan giữa những thách thức về tài chính và sức khỏe, cho thấy sự thiếu hụt trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực khác. Điều đó càng cho thấy cần có hướng tiếp cận tích hợp trong quản lý tài sản và sức khỏe, bởi cách chúng ta lập kế hoạch tài chính tương lai có ảnh hưởng lớn đến an sinh toàn diện của bản thân.
Khảo sát của HSBC cũng có những điểm tương đồng với khảo sát Asia Care 2024 được Manulife thực hiện với hơn 8.400 người tại châu Á trước đó. Trong khảo sát này, Manulife cho ra mắt Chỉ số sẵn sàng cho tương lai (Manulife’s my future readiness index) nhằm đo lường cách người tiêu dùng đánh giá về sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính ở hiện tại cũng như trong tương lai. Trong số những người Việt Nam được khảo sát, 72% cho biết chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với họ. Những hạng mục chi phí y tế được cho là tăng nhiều nhất bao gồm chi phí thuốc men theo toa; chi phí kiểm tra, phòng bệnh; chi phí khám bệnh ngoại trú và chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những người được khảo sát cũng thông tin, chi phí y tế có mức tăng trung bình là 24% trong vòng 12 tháng qua.
Tăng độ phủ bảo hiểm: Đối diện nhiều thách thức
Hiện tại, tổng số chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam đạt xấp xỉ 10 triệu người, tức là mới có khoảng 10% dân số được bảo hiểm bảo vệ.
Theo HSBC, 38% tầng lớp trung lưu trên thế giới cho biết “có bảo hiểm đủ để bảo vệ” là một mục tiêu tài chính hàng đầu, tăng lên so với mức 31% trong năm 2023, nhưng 23% vẫn chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), con số này lên đến 29%, trong khi Indonesia chỉ là 9%. Tại châu Á, cứ 4 người thuộc thế hệ Gen X thì có 1 người chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe, tỷ lệ này ở thế hệ Gen Z và Millennials là 1/5.
Trong khi đó, đánh giá về tình trạng tài chính trong 10 năm tới, số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, mức tài chính của họ vào khoảng 88/100 điểm. Tuy nhiên, mức điểm này giảm xuống 76/100 điểm khi các đáp viên được hỏi về sự tự tin của họ trong việc có thể đạt được mức độ khả năng tài chính như mong muốn, cho thấy có sự không chắc chắn về tương lai.
Gần 90% người trong khảo sát của Manulife khẳng định, họ đang tham gia một trong những loại hình bảo hiểm như bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm phương tiện, hay bảo hiểm nhà cửa... Dù vậy, mức độ bảo vệ cho các vấn đề về sức khỏe nói chung còn thấp, đặc biệt là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Trong đó, 33% người được khảo sát cho biết có bảo hiểm tai nạn, 19% có trợ cấp nằm viện, 27% có quyền lợi ngoại trú và chỉ 16% có bảo hiểm về các bệnh hiểm nghèo. Con số này có xu hướng cải thiện trong tương lai khi gần 1/3 khách hàng trong độ tuổi 25-39 cho biết, họ có ý định lựa chọn gói bảo hiểm với mức phí cao hơn, có phạm vi bảo hiểm và quyền lợi rộng rãi hơn. Tại Việt Nam, 80% mong muốn có những cải tiến về quyền lợi và phạm vi bảo hiểm để hỗ trợ tốt hơn cho các kế hoạch sức khỏe và tài chính.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, hiện tại, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP và chi tiêu cho bảo hiểm nhân thọ trên bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Tổng số chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đạt xấp xỉ 10 triệu người, tức là mới có khoảng 10% dân số được bảo hiểm bảo vệ.
Theo chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra là có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 và con số này tăng lên 18% vào năm 2030; phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng. Cụ thể, chiến lược đặt mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, quy mô đạt 3-3,3% GDP. Ngoài ra, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3-3,5% GDP...
Mục tiêu tăng độ phủ bảo hiểm cho toàn dân đang gặp nhiều thách thức bởi cả yếu tố khách quan và chủ quan (kinh tế suy thoái, quy định bán bảo hiểm chặt chẽ hơn, những thông tin tiêu cực khiến bảo hiểm chưa được hiểu đúng hiểu đủ, dẫn tới người dân càng e ngại với dịch vụ tài chính này...).
Theo IAV, trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng khai thác mới đạt 1.009.949 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 57,9% và giảm 26,6% (bao gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,2% và giảm 14%, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 6,8% và giảm 64,9%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,6% và giảm 10,1%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 5,7% và tăng 398,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm trọn đời) chiếm tỷ trọng 5,8% và giảm 37,2%. Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) cũng giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước, với 11.718.380 hợp đồng.
Cùng với những thay đổi rốt ráo của doanh nghiệp bảo hiểm về việc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, nâng cấp quy trình dịch vụ bán hàng, chi trả bảo hiểm trong bối cảnh mới, cũng như theo yêu cầu của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, việc truyền thông nâng cao nhận thức để người dân thay đổi cái nhìn về bảo hiểm, từ đó hiểu đúng, hiểu đủ hơn về ngành dịch vụ này cũng không kém phần quan trọng đối với sự phát triển của ngành.
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán