Thị trường chứng khoán: Điểm số giảm, lực mua yếu vì dòng tiền thận trọng trước áp lực tỷ giá
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (21 – 25/10) không tích cực. Chỉ số VN-Index giảm điểm trước áp lực bán tăng lên và đóng cửa cuối tuần sát ngưỡng 1.250 điểm. Thanh khoản tuy giảm không mạnh nhưng đang cho thấy biểu hiện của dòng tiền thận trọng khi tỷ giá tăng và chờ đợi thông tin về Kỳ họp Quốc hội, cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần (21 – 25/10) tiếp tục duy trì xu hướng giảm điểm. Tính chung cả tuần, thị trường chỉ duy nhất 1 phiên tăng nhẹ vào ngày 23/10, còn lại có 4/5 phiên giảm điểm.
Tiếp nối đà giảm tuần trước, VN-Index giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần và đà giảm nối tiếp đến cuối tuần (trừ phiên 23/10). Chỉ số VN-Index không chỉ rời mốc 1.280 điểm, sau đó là 1.270 điểm và đóng cửa cuối tuần về sát mốc kháng cự 1.250 điểm.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại tại 1.252,72 điểm, giảm -2,55% so với tuần trước. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng hai tháng qua và VN-Index cũng xuống mức thấp nhất một tháng qua.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -2,0%, xuống 224,63 điểm trong phiên cuối tuần và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -0,95% lên mức 91,82 điểm.
Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán giảm trong tuần và giảm trên cả 3 sàn. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường trong tuần đạt 16.782 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng -4,9% so với thanh khoản bình quân tuần trước. |
Về diễn biến các nhóm ngành, trong tuần, xu hướng giảm là diễn biến chính. Theo đó, phần lớn các ngành đều có biến động giảm giá so với tuần kế trước: dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu ngành chứng khoán, tiếp đến là cao su tự nhiên, ngân hàng và hóa chất, điện là các ngành giảm tiếp theo… Tuy nhiên, thị trường tuần qua cũng chứng kiến một số ngành tăng giá, điển hình là logictics, bất động sản. Các nhóm ngành còn lại cũng về cơ bản là giảm điểm hoặc đi ngang so với tuần trước.
Thống kê trong tuần, các mã như EIB (+7,2%), VNM (+0,9%) và PDR (+3,6%) là các nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số VN-Index. Trong khi đó, các mã như BID (-5,6%), GVR (-10%) và CTG (-4,6%) là các mã gây áp lực lên đà giảm của chỉ số VN-Index.
Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán giảm trong tuần và giảm trên cả 3 sàn. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường trong tuần đạt 16.782 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng -4,9% so với thanh khoản bình quân tuần trước. Trong đó, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE, HNX và UPCoM đạt 15.410 tỷ đồng/phiên, 840 tỷ đồng/phiên, 532 tỷ đồng/phiên, lần lượt giảm -2,6%, -10% và -40,7% so với con số của tuần trước đó.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một tuần giao dịch không tích cực. Mặc dù giá trị bán ròng giảm gần một nửa so với tuần trước, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng 1.183 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE và HNX với 1.046 tỷ đồng và 194 tỷ đồng, trong khi khối này mua ròng nhẹ trên UPCoM với 57 tỷ đồng. Lực bán ròng của khối ngoại tuần này trung tại một số mã như HPG (-301,74 tỷ đồng), MSN (-188,33 tỷ đồng), STB (-160,42 tỷ đồng), DGC (-143 tỷ đồng)...; ở chiều ngược lại, khối này mua ròng VPB (+350,32 tỷ đồng), MWG (+211,81 tỷ đồng)...
Với hơn 1 nghìn tỷ đồng bán ròng tuần này, tổng giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm của khối ngoại tiếp tục tăng lên mức 70.380 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước tuần qua về cơ bản không ghi nhận diễn biến tích cực. Chỉ số VN-Index chịu áp lực bán mặc dù không quá mạnh, nhưng động lực mua yếu đã khiến chỉ số giảm mạnh. Điểm tích cực duy nhất có thể nằm ở động thái bắt đáy mang tính cục bộ, tuy nhiên chủ yếu là các mã nhỏ nên không tạo được sự lan tỏa. Về mặt điểm số, chỉ số VN-Index mặc dù vẫn giữ được mốc 1.250 điểm nhưng không cho thấy sự chắc chắn rằng đà điều chỉnh đã kết thúc.
Về dòng tiền, sự thận trọng của dòng tiền mua là điều dễ nhận thấy trong diễn biến tuần qua. Thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô gần như không còn tác động và dòng tin về kết quả kinh doanh quý III cũng đã thành “hờ hững”. Ngược lại, thị trường đang cho thấy sự quan ngại nhiều hơn về thông tin tỷ giá và trên thực tế tỷ giá đã tăng mạnh trở lại khiến Ngân hàng Nhà nước quay lại sử dụng giải pháp phát hành tín phiếu ngân hàng. Sự thận trọng còn đến từ việc nhà đầu tư đang chờ đợi về diễn biến về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bởi đây được cho là thông tin sẽ tác động tới diễn biến chỉ số DXY. Ở trong nước, Quốc hội đang hợp và tâm lý chờ đợi các quyết sách hay đạo luật quan trọng cũng thường xuất hiện.
Theo VDSC, dự kiến đà giảm của thị trường sẽ được kìm hãm tại vùng hỗ trợ 1.240 – 1.250 điểm của chỉ số VN-Index và kiểm tra cung cầu. |
Đánh giá về thị trường tuần qua, các chuyên gia của SHS Research cho rằng, xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.245 - 1.255 điểm - vùng giá cao nhất năm 2023, và kháng cự gần nhất quanh 1.270 điểm. Còn về xu hướng trung hạn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Trong đó, vùng giá 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh, tương đương vùng giá cao nhất đầu từ đầu năm 2024 và đỉnh giá tháng 6 - 8/2022. Thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng kháng cự này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội; đồng thời, các yếu tố bất định chẳng hạn như căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt.
“Xu hướng ngắn hạn đang điều chỉnh, tích lũy, có thể quá trình tích lũy sẽ còn kéo dài khi thị trường vào khoảng trống thông tin sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, cũng như thông tin bất định về bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến. Chúng tôi, cho rằng vùng giá hợp lý của VN-Index trong vùng giá 1.250 điểm - 1.260 điểm” – chuyên gia SHS Research dự báo.
Theo các chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự kiến đà giảm của thị trường sẽ được kìm hãm tại vùng hỗ trợ 1.240 – 1.250 điểm và kiểm tra cung cầu. Đồng thời, vùng hỗ trợ này có thể sẽ giúp thị trường có nhịp hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới.
Trong khi đó, chuyên gia của KBSV cho rằng, diễn biến thị trường tiếp tục nghiêng về chiều hướng phân phối với việc phe bán chiếm ưu thế trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch. Điểm tích cực là áp lực cung giá thấp đã phần nào được kiểm soát tốt hơn phiên liền trước và không có hiện tượng bán tháo giá thấp. Điều này gợi mở cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục sớm cho chỉ số trong những phiên tới. Mặc dù vậy, khi xu hướng đi ngang đang đóng vai trò chủ đạo, phản ứng hồi phục tại các vùng hỗ trợ yếu thường không kéo dài và rủi ro rơi xuống các vùng hỗ trợ mạnh hơn vẫn đang để ngỏ./.
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững