Thị trường chứng khoán: Dù “lỡ hẹn” với VN-Index 1.300 điểm, nhưng vẫn là một tuần khá tích cực
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch nhìn chung là tích cực. Thị trường có 3 phiên tăng điểm khá tốt, chỉ có 2 phiên giảm không đáng kể vào đầu tuần và cuối tuần. Chỉ số VN-Index tăng một mạch và chỉ khựng lại rồi điều chỉnh khi chỉ số vượt được mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần. Thực tế thị trường đã có 2 phiên hướng đến mốc 1.300 điểm trước đó.
Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index vẫn tăng 1,48% so với tuần trước lên mức 1.290,92 điểm. Chỉ số điều chỉnh nhẹ cuối tuần khi áp lực bán tăng lên khi VN-Index chạm mốc 1.300 điểm, song chỉ số cũng đã vượt được vùng giá 1.280 điểm.
Trong khi đó, chỉ số VN30-Inex tăng tốt hơn 2,0% lên mức 1.352,57 điểm, vượt lên vùng giá 1.340 điểm, cao nhất tháng 6/2024 và gặp vùng kháng cự rất mạnh 1.360 điểm - 1.370 điểm tương ứng đường xu hướng nối các vùng giá cao nhất năm 2023 và 2024 đến nay.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng cải thiện khá trong tuần qua. Theo đó, chỉ số HNX-Index kết tuần tại mốc 235,71 điểm, tăng +0,60% so với tuần trước; trong khi chỉ số UPCoM-Index tăng 0,29%, lên mức 93,9 điểm vào cuối tuần.
Thị trường chứng khoán tuần qua nhận được sự tăng trưởng tích cực từ nhiều nhóm ngành, tuy nhiên số lượng các ngành biến động hẹp hoặc giảm so với tuần trước cũng không ít.
Theo đó, ngành có diễn biến nổi bật nhất trong tuần chính là ngân hàng. Nhiều cổ phiếu ngành này tăng tốt và tạo động lực dẫn dắt cho thị trường tăng điểm. Cụ thể, nhờ khối ngoại mua ròng đã giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh với thanh khoản tốt, như TPB (+12,04%), MSB (+9,09), STB (+8,91%), EIB (+7,55%), BVB (+5,26%), SHB (+5,26%)...
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tích cực, nổi bật với MBS (+12,32%), DSC (+8,22%), VIX (+5,78%), SSI (+5,22%)... Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán khác lại giảm giá như VFS (-4,32%), HBS (-2,44%), IVS (-1,06%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp cũng có diễn biến phục hồi tốt, nhiều mã khối lượng khá đột biến như D2D (+9,93%), HDC (+7,44%), DXG (+6,09%), KBC (+5,25%), NTL (+4,52%).... Trong khi đó, trong tuần cũng ghi nhận các mã bất động sản giảm điểm so với tuần trước như TDC (-5,48%), KOS (-4,42%), SGR (-2,96)...
Đồng thời, các nhóm ngành khác đa số biến động hẹp so với tuần trước, hầu hết chịu áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần khi VN-Index gặp vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tuần cũng cải thiện rất tốt khi tâm lý nhà đầu tư có phần cởi mở hơn. Thống kê trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 21.498 tỷ đồng/phiên, tăng tới 19,3% so với con số của tuần trước. Thanh khoản đều tăng tốt trên cả 3 sàn trong tuần qua, đặc biệt là đã xuất hiện những phiên “tỷ đô” trong tuần.
Khối ngoại cũng có một tuần giao dịch sôi động hơn hẳn khi gia tăng khối lượng giao dịch. Tính tổng thể, trong tuần khối ngoại bán ròng 499 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu trừ phiên bán đột biến của cổ phiếu VIB (-2.715,8 tỷ đồng), thì trong tuần qua khối ngoại mua ròng khá tốt.
VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự đỉnh giá từ đầu năm đến nay, là vùng giá cao nhất các tháng 3, 6 và 8/2024, cũng như vùng giá cao nhất tháng 8/2022. Đây cũng là vùng kháng cự tâm lý mạnh 1.300 điểm và thị trường đang phân hóa mạnh ở vùng giá này. |
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua diễn biến khá sát với dự báo dù VN-Index vẫn đóng cửa dưới mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, thị trường nhận được tin hỗ trợ từ thị trường quốc tế, trong đó bao gồm cả việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường. Động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính. Trong khi đó, ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh quy mô chào thầu trên kênh OMO, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia của SHS Research, trong xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN-Index tăng trưởng với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.280 điểm. VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự đỉnh giá từ đầu năm đến nay, là vùng giá cao nhất các tháng 3, 6 và 8/2024, cũng như vùng giá cao nhất tháng 8/2022. Đây cũng là vùng kháng cự tâm lý mạnh 1.300 điểm và thị trường đang phân hóa mạnh ở vùng giá này.
“Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, đây không phải vùng giá hợp lý để giải ngân, cũng chưa có dự báo chắc chắn VN-Index sẽ vượt lên. Thị trường sẽ kết thúc quý III/2024 trong phiên giao dịch đến, VN-Index khả năng sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.280 điểm - 1.300 điểm trong phiên giao dịch cuối quý III/2024” – chuyên gia của SHS Research nhận định.
Trong khi đó, theo SSI Research, VN-Index đóng cửa tại 1.290,92 điểm và việc VN-Index hai lần liên tiếp đóng cửa gần mức thấp nhất phiên và lùi lại từ ngưỡng 1.300 cho thấy xu hướng ngắn hạn chưa đủ mạnh. Các chỉ báo kỹ thuật giữ tín hiệu trung tính chưa ủng hộ cho đợt bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể rung lắc trong vùng 1.282 - 1.292 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật của VN-Index cho thấy, trạng thái giằng co điều chỉnh sau nhịp tăng dốc và ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm vẫn đang gây ra những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực là tín hiệu đảo chiều xuất hiện trong bối cảnh đa số các chỉ báo kỹ thuật chưa lên quá cao trên vùng quá mua, nên rủi ro tạo đỉnh chưa thực sự đáng ngại. |
Còn theo VDSC Research, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có nỗ lực vượt vùng cản tâm lý 1.300 điểm nhưng chưa thành và lùi bước. Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy nguồn cung vẫn đang duy trì áp lực lớn khi thị trường tiến đến vùng cản. Với tín hiệu nến thận trọng hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường sẽ tạm thời chậm lại và có thể có động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.
“Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần cân nhắc đợt hồi phục này để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro” – VDSC khuyến nghị.
Các chuyên gia của KBSV cũng cho hay, biểu đồ kỹ thuật của VN-Index cho thấy trạng thái giằng co điều chỉnh sau nhịp tăng dốc và ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm vẫn đang gây ra những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực là tín hiệu đảo chiều xuất hiện trong bối cảnh đa số các chỉ báo kỹ thuật chưa lên quá cao trên vùng quá mua, nên rủi ro tạo đỉnh chưa thực sự đáng ngại. Mặc dù diễn biến rung lắc có thể trở nên rõ nét hơn khi VN-Index tiếp cận quanh vùng đỉnh cũ, nhưng cơ hội duy trì xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được đánh giá cao.
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán