Thị trường chứng khoán tuần qua: Biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm
- Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (16 - 20/12) giằng co trên nền thanh khoản thấp. Chỉ số VN-Index giảm điểm trước áp lực bán tăng lên, dù vậy đóng cửa cuối tuần vẫn trên ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.250 điểm. Thanh khoản giảm đang cho thấy biểu hiện của dòng tiền thận trọng khi tỷ giá tăng.
Thị trường tích lũy tích cực
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch tương đối yên bình so với các thị trường lớn trên thế giới. Thông điệp giảm tần suất điều chỉnh lãi suất năm 2025 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển.
Chỉ số VN-Index cũng không nằm ngoài vòng xoáy điều chỉnh khi lao dốc hơn 11 điểm trong phiên giao dịch ngày 19/12. Trước đó là quãng bình yên với 3 phiên giao dịch giằng co trong biên độ hẹp.
Như một hồ nước phẳng lặng, chỉ một tác động nhẹ cũng đủ làm mặt hồ gợn sóng, thông điệp bất ngờ của FED kích thích làn sóng bán tháo trong hoảng loạn. Tuy nhiên lực cầu cũng luôn trực chờ ở các vùng hỗ trợ, chỉ số cho thấy phản ứng mạnh tại ngưỡng 1.250 điểm và tiếp tục quán tính hồi phục trong phiên cuối tuần. Đóng cửa tuần giao dịch từ 16/12-20/12, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.257,50 điểm -5,07 điểm (-0,40%).
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến giằng co và đóng cửa tăng nhẹ. Cụ thể, chỉ số HNX-Index tăng -0,03 %, lên mức 227,07 điểm trong phiên cuối tuần và chỉ số UPCoM-Index cũng tăng +0,92% lên mức 93,39 điểm.
Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như: hàng tiêu dùng (-2,63%), thép (-1,53%), ngân hàng (-1,23%), bất động sản dân cư (-0,87%)... Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành vẫn ngược dòng tăng điểm bao gồm: công nghệ viễn thông (+4,03%), hàng không (+3,26%), dệt may (+2,91%)... |
Về diễn biến các nhóm ngành, trong tuần, xu hướng giảm là diễn biến chính. Theo đó, phần lớn các ngành đều có biến động giảm giá so với tuần kế trước.
Độ rộng thị trường nghiêng về điều chỉnh, phân hóa mạnh, đa số đều chịu áp lực điều chỉnh, ngoài nhóm viễn thông tăng điểm tốt, các mã vận tải dầu khí, vận tải biển, cảng... Áp lực điều chỉnh, tích lũy tương đối bình thường ở nhiều mã, trong khi vẫn có nhiều mã tích cực, vượt vùng giá đỉnh cũ, cho thấy thị trường phân hóa tích cực.
Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán giảm trong tuần và giảm trên cả 3 sàn. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường trong tuần đạt 15.794 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng -7,1% so với thanh khoản bình quân tuần trước. Trong đó, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 556 triệu cổ phiếu (-3,92%), tương đương 13.784 tỷ đồng (-3,38%) về giá trị giao dịch.
Khối ngoại bán ròng -1,324 tỷ đồng trên sàn HOSE nối dài tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp trong tháng. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: HPG (- 275 tỷ đồng), BID (-152 tỷ đồng), VCB (-152 tỷ đồng)... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại tăng tỷ trọng một số mã: SIP (+184 tỷ đồng), VIX (+156 tỷ đồng), HDB (+151 tỷ đồng)...
Nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản
Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm áp lực từ thị trường thế giới, biến động tỷ giá và áp lực giảm dư nợ vay ký quỹ cuối năm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng với giá trị 1.324 tỷ đồng trên sàn HOSE và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
Tuần qua, ngày 18/12/2024, Fed quyết định cắt giảm lãi suất điều hành xuống còn 4,25%-4,50%, thấp hơn mức 4,50%-4,75% trước đó. Tuy nhiên, Fed dự báo sẽ chỉ cắt giảm thêm hai lần trong năm 2025, khiến kỳ vọng về lãi suất cao kéo dài tiếp tục thúc đẩy giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY tăng từ mức 102 điểm vào đầu năm lên 108,18 điểm ngày 20/12/2024. Điều này làm gia tăng sức ép lên các đồng tiền tại thị trường mới nổi, bao gồm VND. |
Có thể thấy, thị trường chứng khoán trong nước tuần qua về cơ bản không ghi nhận diễn biến tích cực. Chỉ số VN-Index chịu áp lực bán mặc dù không quá mạnh, nhưng động lực mua yếu đã khiến chỉ số giảm điểm. Về mặt điểm số, chỉ số VN-Index mặc dù vẫn giữ được mốc 1.250 điểm nhưng không cho thấy sự chắc chắn rằng đà điều chỉnh đã kết thúc.
Về dòng tiền, sự thận trọng của dòng tiền mua là điều dễ nhận thấy trong diễn biến tuần qua. Thị trường đang cho thấy sự quan ngại nhiều hơn về thông tin tỷ giá và trên thực tế, tỷ giá đã tăng mạnh trở lại khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục sử dụng giải pháp phát hành tín phiếu ngân hàng.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, VN-Index có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, nhưng biên độ giảm đã hạ nhiệt so với tuần trước. Hơn nữa khối lượng khớp lệnh của tuần này sụt giảm mạnh so với tuần trước đó và thấp hơn so với mức trung bình 20 tuần, cộng với ngưỡng hỗ trợ 1,250 được giữ vững cho thấy áp lực bán cũng không quá lớn.
Điểm đáng chú ý trong tuần qua là VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.260 điểm tương ứng với mốc MA200, cho thấy xu hướng tiêu cực áp đảo hơn. Tuy nhiên phiên giảm khiến VN-Index thủng mốc MA200 có phần bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực từ thị trường Mỹ.
Nhà đầu tư nên nắm giữ danh mục và hạn chế việc tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đã mua tại ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trước đó hoặc mở thêm vị thế mua mới. Cần chờ đợi để vị thế mua thăm dò trước đó có lợi thế thì mới gia tăng thêm tỷ trọng.
Nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản. Ảnh tư liệu |
Trong khi đó, các chuyên gia SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index dưới áp lực của VN30 đã suy yếu hơn khi giao dịch dưới giá trung bình 200 phiên, nhưng vẫn trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm. Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.
Thị trường cũng đang vào giai đoạn chốt NAV năm 2024 của các nhà đầu tư. Đây là giai đoạn tích lũy phù hợp, trước khi chờ các động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quí IV/2024 và triển vọng năm 2025.
Theo đó, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở các mã cổ phiếu kiểm chứng hỗ trợ thành công hoặc đang ở nền tích lũy 1-2 tháng với dòng tiền tham gia ổn định và dần có tín hiệu bật tăng (thuộc một số nhóm ngành như thủy sản, bất động sản, ngân hàng…).
Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng, đây là giai đoạn tích lũy cần thiết trước khi thị trường đón nhận các động lực tăng trưởng mới, bao gồm kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 4 và triển vọng năm 2025. Trên nền tảng đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng hợp lý, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng bền vững, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành./.
- Đầu tư công - Kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường chứng khoán năm 2025
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 duy trì đà tăng trưởng ổn định
- Cơ hội cho thị trường chứng khoán sau giai đoạn tích lũy
- Cổ phiếu nhỏ hút dòng tiền, thanh khoản xuống đáy
- Cụ thể hóa quy định pháp lý hỗ trợ tiến trình nâng hạng chứng khoán
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm, dòng tiền thận trọng hơn
- Cổ phiếu vốn hóa nhỏ được chú ý