Đây là nhận định của bài báo với tựa đề “Năm 2024, GDP của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6,8% đến 7%” đăng trên tờ Thời báo Tài chính của Trung Quốc số ra ngày 22/10.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay ở mức 6,8% đến 7%, cao hơn con số dự kiến công bố vài tháng trước, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023.
Dẫn số liệu thống kê chính thức GDP quý III của Việt Nam tăng trưởng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng hằng quý cao nhất trong hai năm qua; trong đó, tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến đặc biệt nổi bật, đạt tới 11,41%, trở thành tốc độ tăng trưởng cùng kỳ cao nhất trong 6 năm qua; bài báo khẳng định, quý III năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức cao nhất trong hai năm, là nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ cũng như đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đã bù đắp cho tác động kinh tế mà cơn bão mạnh nhất châu Á gây ra.
Cụ thể, trong tháng 9, cơn bão số 3 càn quét miền bắc Việt Nam khiến nguồn điện ở một số khu vực bị gián đoạn, sản xuất công nghiệp đình trệ và gây thiệt hại tài sản lên tới 3,3 tỷ USD. Tuy vậy, trận thiên tai này đã không thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của quý III tăng tới 15,7% so cùng kỳ năm 2023.
Vì lý do này, cuối tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 6,1%; Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 6%. Dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III năm nay tốt hơn dự kiến, ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7%, cao hơn mức 6,5% trước đó.
Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và các lĩnh vực mới nổi với Việt Nam
Khẳng định khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt, bài báo dẫn thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, các dự án cấp mới, dự án tăng vốn và dự án mua bán, sáp nhập cổ phần ở Việt Nam đã thu hút tổng cộng hơn 24,78 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so cùng kỳ năm ngoái; vốn giải ngân thực tế là 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 18 trong số 21 ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất với hơn 15,64 tỷ USD, chiếm 63,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, giảm nhẹ 0,4% so cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản; sản xuất và phân phối điện và ngành bán buôn, bán lẻ.