Thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm bỗng dưng có sổ hộ nghèo
Có mức thu nhập từ vài trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm nhưng một số hộ dân tại xã Krông Jing (huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) bất ngờ khi biết gia đình mình có tên trong danh sách hộ nghèo từ nhiều năm trước.
Gần 10 năm làm nghề kinh doanh phân bón với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hộ gia đình ông Đào Văn Việt (52 tuổi, ngụ xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) được người dân trong vùng nhận xét là một trong những hộ tiêu biểu, khá giả của thôn.
Gia đình kinh doanh phân bón với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm được xếp vào hộ nghèo của xã Krông Jing (Ảnh: Uy Nguyễn).
Vào đầu năm nay, gia đình ông Việt lại bị người dân trong thôn xì xầm, phản ánh việc gia đình có tên trong danh sách hộ nghèo của thôn.
Bà Hồ Thị Hà (vợ ông Việt) khẳng định gia đình bà hoàn toàn không hề hay biết việc hộ mình có tên trong danh sách hộ nghèo của thôn, chỉ đến khi người dân trong vùng bàn tán xôn xao, bà đi tìm hiểu mới phát hiện việc người dân phản ánh là đúng sự thật.
"Tôi cũng không hiểu vì sao gia đình tôi lại có tên trong danh sách hộ nghèo 2 năm từ năm 2017, mục đích của việc đưa hộ gia đình chúng tôi vào diện nghèo là gì? Tôi cũng chưa bao giờ nhận một đồng tiền chế độ hộ nghèo mà cũng không nỡ nhận những đồng tiền này. Sau khi biết thông tin, tôi có hỏi thôn trưởng vì sao lại đưa tên hộ tôi vào thì được trả lời là đưa vào để xã được công nhận là xã vùng 3 (xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - PV)", bà Hà lên tiếng.
Còn gia đình ông Nguyễn Kim Trung (50 tuổi, ngụ thôn 4, xã Krông Jing) làm nghề chăn nuôi và kinh doanh, gia đình có thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Do việc làm ăn thuận lợi, gia đình ông không khó để xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô.
Người dân bức xúc trước việc ngang nhiên đưa những hộ khá giả vào danh sách hộ nghèo (Ảnh: Uy Nguyễn).
Cuối năm 2021, ông Trung bất ngờ khi nghe thông tin gia đình mình nằm trong hộ nghèo của thôn. "Tôi rất buồn khi biết việc hộ tôi có tên trong danh sách hộ nghèo nhưng tôi chưa bao giờ biết đến cuốn sổ hộ nghèo. Điều vô lý là nếu có tên trong danh sách hộ nghèo thì phải đưa ra bình bầu nhưng việc này không có, liệu có khuất tất gì không. Tôi mong muốn làm rõ trắng, đen của việc này và số tiền chế độ hộ nghèo hàng năm thì ai đã nhận", ông Trung lên tiếng.
Ông Mai Đức Tâm - Trưởng thôn 4 (xã Krông Jing) - cho biết ông không nắm được danh sách hộ nghèo năm 2021 trở về trước do mới được bầu lên làm trưởng thôn từ đầu năm nay.
Cũng theo ông Tâm, việc bình xét hộ nghèo rất nghiêm ngặt, dân chủ và công khai. Đầu tiên, thôn sẽ lấy ý kiến từ dân và có nhiều tiêu chí, trong đó, ưu tiên cho những hoàn cảnh người già neo đơn, khó khăn. Tiếp đến, sẽ bầu và bình xét theo thang điểm mới gửi danh sách để UBND xã thẩm định.
Trao đổi PV, ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk - cho rằng: "Vào các năm 2016 và 2017, hai hộ ông Đào Văn Việt và ông Mai Đức Tâm có tên trong danh sách hộ nghèo và có thể trước đây những hộ trên thuộc hộ nghèo nhưng sau đó đã thoát nghèo. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác, phía huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH kiểm tra, làm rõ vụ việc này".
Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk xác nhận Sở đã nắm thông tin và có văn bản đề nghị UBND huyện M'Đrắk kiểm tra, làm rõ và có báo cáo về Sở.
Nguồn https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-nhap-tram-trieu-dong-moi-nam-bong-dung-co-so-ho-ngheo-20220614154715955.htm
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân