Tìm động lực thị trường chứng khoán 2022
Thị trường chứng khoán trong nước vừa có một năm tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng 35% của chỉ số VN-Index. Trước thềm xuân mới Nhâm Dần 2021, nhiều chuyên gia chứng khoán cùng chung niềm tin, xu hướng tăng của thị trường vẫn được duy trì trong năm con Hổ.
TS. Quách Mạnh Hào, Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln
Nếu như 2 năm qua, tiền rẻ và các gói kích thích kinh tế đóng vai trò là động lực chính cho thị trường chứng khoán thì thời gian tới sẽ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và mức độ phục hồi của nền kinh tế.
Từ quan sát của mình, tôi dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tăng trưởng tốt, ít nhất sẽ duy trì điểm số cao trong năm 2022 do sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành.
Một số dự báo cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tăng trưởng 10 - 15%, tức đạt khoảng 1.650 - 1.700 điểm vào cuối năm 2022. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi.
Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay lại với cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ quay lại dẫn dắt thị trường, vì theo chu kỳ tâm lý, khi nhà đầu tư nhìn thấy rủi ro, hoặc họ đã giải ngân vào những cơ hội rủi ro và nếm trải thất bại, họ sẽ cảnh giác và tìm đến những cơ hội an toàn để bảo toàn tài sản của mình.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dịch Covid-19 đặt nền kinh tế Việt Nam ở trong một giai đoạn có nhiều biến động, xét cả về nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh kinh tế trên thế giới.
Ở trong nước, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để vừa phục hồi nền sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới” vừa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang dần cải tổ lại “động cơ tăng trưởng” của mình, hướng đến mục tiêu thân thiện hơn với môi trường cũng như phục vụ số đông người dân tốt hơn.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.
Chúng tôi dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của VN Index có thể tiến lên đến 1.600 - 1.700 điểm. Chúng tôi cũng kỳ vọng sự phân hóa giữa các cổ phiếu - vốn đã bắt đầu trong quý IV/2021 - sẽ tiếp tục gia tăng.
Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết - dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới” của từng doanh nghiệp cụ thể.
Ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS)
Thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ có bước tăng trưởng mới trong năm 2022, dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định.
Các trụ cột được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là kỳ vọng sức cầu nội địa phục hồi và sẽ hoạt động hết công suất sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số.
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Thị trường cũng kỳ vọng động lực đến từ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong năm 2022 sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn năm 2021. Cụ thể, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa Covid-19 của Việt Nam mà Chính phủ đề xuất mới chỉ chiếm khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế châu Á, trong khi tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam mới khoảng 45% GDP.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, trong năm 2021, thị trường đã chứng kiến sự lất át của dòng tiền đầu cơ, gây nhiều rủi ro cho những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần có định hướng và phân bổ danh mục đầu tư hợp lý, tập trung vào các doanh nghiệp tốt.
Ông Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS)
Xu hướng tăng giá mạnh của một số nhóm ngành và một số cổ phiếu đơn lẻ trong bối cảnh nhiều nhóm ngành cơ bản tốt đang trong giai đoạn tích lũy đã thu hút lượng lớn dòng tiền đầu cơ, dòng tiền mới gia nhập thị trường sẽ tạo rủi ro điều chỉnh sâu trong ngắn hạn.
Vùng giá cao đã thu hẹp biên an toàn của nhà đầu tư khi bước vào 2022. Do vậy, nhịp điều chỉnh ngắn hạn nếu xảy ra thực tế sẽ giúp điều hòa lại dòng tiền nóng và điều tiết dòng vốn trên thị trường tìm đến các mã có yếu tố cơ bản.
Trong ngắn hạn, thị trường đang chịu những áp lực nhất định sau khi chỉ số tạo đỉnh mới.
Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.
Nếu để chọn đầu tư, tôi cho rằng ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, cảng biển (logistics), ô tô, bán lẻ là các nhóm ngành có thể tìm kiếm cơ hội khi diễn biến đại dịch đang có những chuyển biến tích cực nhờ tốc độ triển khai vắc xin, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế hồi phục cũng đã được Quốc hội thông qua.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam
Chúng tôi lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2022.
Dự báo, đây sẽ là năm thứ 6 nền kinh tế có thặng dư, kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, kiều hối về nhiều với mức tăng 5%.
Từ năm 2015, chúng tôi đã nhận định Việt Nam có thập kỷ VND ổn định và tăng giá, và thực tiễn đang diễn biến theo xu thế đó. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận định, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.700 điểm trong năm 2022.
Bên cạnh kênh cổ phiếu thì kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng có cơ hội lớn. Năm 2022, cơ quan quản lý sẽ có những chính sách để thị trường này phát triển ổn định hơn.
Trái phiếu riêng lẻ có điều chỉnh thắt chặt hơn, đảm bảo hàng hóa an toàn hơn, do đó, sẽ có sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp phát hành đại chúng. Đó sẽ là những doanh nghiệp tốt, nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua nhiều phòng ban thẩm định; trái phiếu được niêm yết có nhiều nhà đầu tư mua bán trên thị trường như cổ phiếu.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)
Động lực của thị trường năm 2022, theo tôi, gắn chặt với các “đầu kéo” tăng trưởng kinh tế vĩ mô, bao gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.
Thứ nhất là sức tiêu dùng hồi phục sau khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh, điều đang được nhìn thấy các tháng gần đây mặc dù vẫn còn đang chậm chạp.
Thứ hai, tôi kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong năm 2022 sau khi đã tăng gần 20% năm 2021 khi nhu cầu quốc tế hồi phục hoàn toàn cũng như giải quyết được vấn đề tắc nghẽn ở các cửa khẩu, cảng biển và thiếu hụt container.
Cuối cùng là câu chuyện đầu tư, mà trọng điểm theo tôi là đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Đây là nhân tố tôi kỳ vọng nhất và chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được trong đầu kéo này, chứ không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khách quan như 2 nhân tố đầu tiên.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất, lạm phát cũng đang ở mức thấp, cùng với quá trình kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi đang ngày càng gần cũng sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đang đón nhận động lực chính từ dòng tiền đến từ nhóm các nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường trong thời gian gần đây.
Xu hướng gia nhập thị trường của các nhà đầu tư mới thể hiện sự cải thiện cả về số lượng và chất lượng khi lượng tài khoản mở mới tăng dần và duy trì ở mức rất cao trong 2 tháng cuối năm ngoái, trong khi mức sử dụng margin của nhóm này không cao.
Tất nhiên, điều này có một phần nguyên nhân là nguồn vốn margin tại các công ty chứng khoán không còn nhiều khi bước vào quý IV/2021.
Nhiều nhóm ngành hiện tại đã có mức định giá không còn ở vùng quá hấp dẫn nếu căn cứ trên kết quả kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, thậm chí giá của nhiều mã cổ phiếu đã phản ánh quá nhiều kỳ vọng tương lai, điều mà vẫn còn có thể gặp rủi ro với tình hình dịch bệnh hiện tại.
Xu hướng tăng giá mạnh của một số nhóm ngành và một số cổ phiếu đơn lẻ trong bối cảnh nhiều nhóm ngành cơ bản tốt đang trong giai đoạn tích lũy đã thu hút lượng lớn dòng tiền đầu cơ, dòng tiền mới gia nhập thị trường sẽ tạo rủi ro điều chỉnh sâu trong ngắn hạn.
Vùng giá cao đã thu hẹp biên an toàn của nhà đầu tư khi bước vào 2022. Do vậy, nhịp điều chỉnh ngắn hạn nếu xảy ra thực tế sẽ giúp điều hòa lại dòng tiền nóng và điều tiết dòng vốn trên thị trường tìm đến các mã có yếu tố cơ bản.
Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, cảng biển (logistics), ô tô, bán lẻ là các nhóm ngành có thể tìm kiếm cơ hội khi diễn biến đại dịch đang có những chuyển biến tích cực (dù vẫn còn rủi ro) nhờ tốc độ triển khai vắc xin, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế hồi phục cũng đã được Quốc hội thông qua.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/tim-dong-luc-thi-truong-chung-khoan-2022-post290250.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại