Tỷ giá giảm “sức nóng”, nhóm ngành nào được hưởng lợi?

Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024 | 12:30

Diễn biến điều chỉnh của đồng USD trong một tháng gần đây cùng với triển vọng tỷ giá, cũng như các yếu tố vĩ mô ổn định hơn được nhận định sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và làm giảm bớt áp lực bán ròng của khối ngoại.

Tỷ giá giảm “sức nóng”, nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Tỷ giá, rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán kể từ đầu năm. Ảnh tư liệu

Thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ

Tỷ giá được đánh giá là rủi ro của thị trường chứng khoán (TTCK), trong suốt giai đoạn vừa qua khi đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng đến những chính sách của Ngân hàng Nhà nước và gây áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. VN-Index nhiều lần bị “tuột” khỏi mốc 1.300 điểm bất chấp ở trong nước kinh tế hồi phục mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao, lãi suất giảm ủng hộ dòng tiền trên TTCK...

Khối ngoại đã giảm tốc bán ròng

Theo thống kê từ HOSE, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8/2024 đạt trên 78.746 tỷ đồng, chiếm hơn 10,86% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Đáng chú ý, đà bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng chững lại sau nhiều tháng bán ròng mạnh mẽ. Trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 3.278 tỷ đồng. Con số này giảm mạnh so với tháng trước đó, khi tháng 7/2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.229 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể. Tính từ đầu năm đến thời điểm 30/6/2024, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh, với khoảng 4,96% so với đầu năm, song đến nay tỷ giá cũng giảm nhanh chóng kể từ cuối quý II/2024. Tính đến ngày 26/8/2024, tỷ giá đã giảm 2,3% so với thời điểm 30/6, chỉ còn 24.863 VND/USD. Tỷ giá USD/VND đã giảm khá mạnh, hiện tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã về dưới mức 25.000 đồng/USD, giảm mạnh so với vùng đỉnh trước đó quanh 25.470 đồng/USD.

Trước đó, chỉ số DXY chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8 nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, trong đó CPI nhích tăng 0,2% trong tháng 7/2024 so với giảm 0,1% trong tháng 6/2024, phù hợp với dự báo, và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 này đã khiến tỷ giá thủng 25.000 đồng/USD.

Trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán TPS nhận định, tỷ giá hạ nhiệt cũng đã tạo thuận lợi hơn cho các nhà điều hành tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Dưới góc độ vĩ mô, TTCK sẽ hưởng lợi tích cực được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm tỷ giá hạ nhiệt giúp chi phí nhập khẩu giảm xuống sẽ tác động tích cực tới nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành thúc đẩy chính sách đầu tư công và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, làm giảm bớt áp lực rút vốn của khối ngoại.

“Với thông tin FED có thể hạ lãi suất trong tháng 9 sẽ tạo tâm lý tích cực cho chỉ số có thể chinh phục được vùng 1.300 điểm một lần nữa và hướng đến những vùng chỉ số cao hơn” – Chuyên gia của TPS nhận định.

Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng, tỷ giá giảm còn giúp vơi bớt áp lực tài chính cho những doanh nghiệp có vay nợ bằng đồng ngoại tệ. Các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu hay các nhóm có nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, ô tô… sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tỷ giá hạ nhiệt. Cùng với đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn vì chênh lệch lãi suất ít đi, tỷ giá ổn định cũng tạo tâm lý yên tâm cho giới đầu tư.

Nhận định về tỷ giá hạ nhiệt tác động thế nào lên TTCK, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta phân tích, nếu như hai năm gần đây, VN-Index cứ đến 1.300 điểm lại quay đầu giảm thì giai đoạn này bối cảnh đã thay đổi rất nhiều. Đầu tiên là câu chuyện tỷ giá, đây là rủi ro lớn nhất của TTCK từ đầu năm. Trong giai đoạn tháng 3, tháng 6 và tháng 7 tỷ giá lên cao, thời điểm đó mỗi phiên khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện tại, lượng bán ròng đã giảm nhiều. Điều này đồng nghĩa rủi ro về tỷ giá giảm đáng kể so với thời điểm tháng 3 và 6.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, đây vốn dĩ là nhóm gây “tổn thất” lớn nhất cho thị trường giai đoạn vừa qua. Nhưng giai đoạn hiện tại, đồ thị kỹ thuật cho thấy nhóm bất động sản vượt qua đường trung bình 100 ngày cho thấy xu hướng trung hạn tích cực hơn, kỳ vọng không "gây hại" thị trường như tháng 3 và tháng 6 nữa.

Ngoài ra, đối với nhóm ngân hàng và chứng khoán, nếu tháng 3 và tháng 6, mức P/B (lợi nhuận/giá trị sổ sách) trên mức 2 lần cả nhóm này, cao khi VN-Index lên 1.300 điểm, nhưng thời điểm này P/B dưới mức 2 lần nên dư địa cho hai nhóm này tăng còn nhiều.

Cũng theo chuyên gia của Chứng khoán Yuanta, ngân hàng và chứng khoán vẫn là hai nhóm hấp dẫn nhất để mua vào từ nay tới cuối năm. Với riêng nhóm ngân hàng, nợ xấu được kỳ vọng giảm, biên lãi ròng (NIM) cũng sẽ tốt hơn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm dù có thể phân hóa. Trong khi đó, nhóm chứng khoán, mức P/B đang ở mức thấp, câu chuyện nâng hạng dù được nhắc nhiều lần, nhưng cũng sẽ là câu chuyện giúp cho chứng khoán tăng tốt trở lại.

“Một số nhóm ngành khác cũng được hưởng lợi khi tỷ giá hạ nhiệt như nhập khẩu, vận tải, bán lẻ, sản xuất thực phẩm. Nhóm xuất khẩu gặp khó trong ngắn hạn nhưng cũng không lo tình trạng này kéo dài, chờ tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu mới thì có thể quay lại hồi phục và tăng trưởng” – ông Minh nói./.