F0 lên tiếng
Năm 2021, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới (F0) đều trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc, từ chuyện “ăn bằng lần” cho đến “bị giải chấp”, hay “ra đảo” chưa hẹn ngày về.
Có những nhà đầu tư mới mang một lượng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán.
Không thể đứng ngoài cuộc
2021 là một năm “đi vào lịch sử” của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự bùng nổ số lượng nhà đầu tư mới (F0), chỉ số chứng khoán lập kỷ lục...
Sống trong môi trường mà hầu như ai cũng nói về chứng khoán, phần lớn đồng nghiệp đều là nhà đầu tư, nhưng mãi đến tháng 6/2021, anh Tuấn mới quyết định tham gia “chứng trường”.
“Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đầu tư chứng khoán, thậm chí còn tự xác định đó là “vùng cấm”, không bao giờ nên đặt chân vào, bởi “lời đe dọa” chỉ 5% nhà đầu tư có lãi, còn lại là thua lỗ. Nhưng phần vì dịch bệnh Covid-19, phần vì bị ảnh hưởng từ những người xung quanh, tôi đã quyết định mở tài khoản và thử đầu tư”, anh Tuấn cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, anh Tuấn đã bỏ ra gần 300 triệu đồng để đầu tư, lãi chưa đến 10 triệu đồng, nhưng nhà đầu tư mới này nhìn nhận, với nửa năm “học nghề” trên thị trường tài chính bậc cao, không thua lỗ cũng là may mắn.
Thời gian đầu, anh Tuấn thường “đọc báo, nghe đài” và mua theo các khuyến nghị, hoặc mua cổ phiếu có tin tốt mà chưa sàng lọc, số vốn đầu tư không nhiều nhưng danh mục dài lê thê đến mười mấy mã. Sau vài pha đu đỉnh cổ phiếu ngân hàng, anh dần thu gọn lại danh mục, đến nay còn 6 mã.
“Tôi sẽ tiếp tục thu gọn danh mục xuống khoảng 3 mã trong một vài tháng tới, khi có điểm bán phù hợp với các cổ phiếu đang nắm giữ để tái cơ cấu, bán ra, mua vào”, anh Tuấn nói.
Chị Hương, một nhà đầu tư mở tài khoản được hơn 8 tháng cho hay, chị tham gia thị trường chứng khoán sau khi đã chuẩn bị xong xuôi các kế hoạch liên quan đến tài chính, chỉ dùng phần tiền nhàn rỗi để đầu tư, nếu có thua lỗ thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Ban đầu, chị Hương có lãi, nhưng sau đó lỗ với tỷ lệ được xác định từ trước. Hiện tại, tài khoản cơ bản hòa vốn, nhưng nhà đầu tư này chia sẻ, cái được chính là cảm giác thị trường, biết cách sàng lọc cổ phiếu hơn và tránh bị dao động tâm lý.
Là nhân viên công sở, nhưng chị xác định nghiêm túc việc đầu tư vào chứng khoán, chủ yếu nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên, chị đang thực hiện tái cơ cấu một phần danh mục, tập trung vào những cổ phiếu trụ, có nền tảng và chưa tăng giá nhiều.
“Tôi xác định đầu tư dài hạn, mua tích lũy cổ phiếu rồi để đó 1 - 2 năm, vì không có nhiều thời gian xem bảng điện và lướt lát theo ngày. Quan điểm của tôi là chỉ chọn những cổ phiếu trụ, có mức tăng ổn định 15 - 20%/năm. Cách đầu tư này khiến tôi không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi dành khoảng 20% vốn để thực hiện mua các cổ phiếu đầu cơ theo sóng, nhằm có cảm nhận tốt hơn về thị trường”, chị Hương cho hay.
Đọc vị F0
Là năm chứng kiến sự gia nhập thị trường đông đảo chưa từng có trong lịch sử của nhóm nhà đầu tư mới, năm 2021 cũng chứng kiến thị trường có nhiều pha lên đỉnh và xuống dốc với biên độ dao động mạnh. Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, năm qua là năm mà nhà đầu tư đều trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc, từ chuyện “ăn bằng lần” cho đến “bị giải chấp” hay “ra đảo” chưa hẹn ngày về.
Năm 2021, cơ hội học hỏi và trưởng thành từ thị trường bằng 5 năm trước đó cộng lại.
Về nhóm nhà đầu tư mới, ông Trần Minh Tuấn, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, trong năm 2021, cơ hội học hỏi và trưởng thành từ thị trường bằng 5 năm trước đó cộng lại. Nếu so sánh với hơn 10 năm trước, khi thị trường bùng nổ giai đoạn 2006 - 2007, thì nhà đầu tư hiện tại có nhiều kiến thức hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thị trường đang tiềm ẩn những nguy cơ nhất định, vì khi nhà đầu tư đạt được thắng lợi dễ dàng như năm qua thì hay dẫn đến tâm lý chủ quan, kiêu ngạo. Điều này rất nguy hiểm, bởi nhiều F0 cứ nghĩ đầu tư là sẽ thắng và chưa trải qua thương đau từ thị trường, dễ gánh chịu những thiệt hại về sau.
Một góc nhìn khác về các F0, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS đánh giá, số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh, nhưng tác động tới thị trường của các nhà đầu tư mới chưa nhiều.
Ông Kiên phân tích, các F0 có “giờ bay” dưới 1 năm thường chỉ rót từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng vào tài khoản, vừa đầu tư vừa thăm dò, do đó, tác động đến thị trường không nhiều. Dòng tiền mạnh chủ yếu đến từ các nhà đầu tư có 1 - 2 năm kinh nghiệm trở lên, trong đó, nhóm này không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua giao dịch ký quỹ (margin).
Về tâm lý đầu tư, các nhà đầu tư mới thường chưa có sự đầu tư chọn lọc, vẫn bị tâm lý chi phối, hay đầu tư theo kiểu “ai bảo gì mua nấy”, nghe theo lời tư vấn, chứ chưa có các phân tích và quyết định mang tính cá nhân. Tuy nhiên, đây là điểm chung và dễ hiểu, khi tham gia thị trường đủ lâu, nhà đầu tư sẽ hình thành phong cách đầu tư riêng, khả năng phân tích tài chính, mức độ chịu đựng rủi ro cũng tốt hơn.
Riêng với các F0 tổ chức, năm 2021, ông Kiên quan sát thấy có không ít tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư tài chính để tìm kiếm lợi nhuận.
“Có không ít doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật tư y tế đã tìm đến kênh chứng khoán khi bí kênh đầu tư do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Thậm chí, có những doanh nghiệp còn thực hiện phân tách phòng dự án, hoặc phòng kế toán thành bộ phận tự doanh để tận dụng cơ hội khi thị trường chứng khoán đang lên. Đặc tính của F0 tổ chức là có nghiên cứu, lựa chọn danh mục và thường ưu tiên cổ phiếu có độ rủi ro thấp, dành một tỷ lệ nhất định cho cổ phiếu nhỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, đây chưa phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà là những tay ngang, không có thế mạnh về đầu tư tài chính. Họ tham gia đầu tư chứng khoán giống như sử dụng con dao hai lưỡi, có lợi nhuận khi thị trường đi lên, nhưng khó tránh khỏi nguy cơ thua lỗ, phải hạch toán vào chi phí tài chính, trích lập dự phòng của doanh nghiệp khi thị trường đi xuống”, ông Kiên đánh giá.
Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, với nhiều nhà đầu tư mới, năm 2021 cơ bản là thắng, điều này đến từ diễn biến tích cực của thị trường khi VN-Index tăng mạnh, khoảng 40%.
Các F0 hiện tại có sự thay đổi về chất so với giai đoạn trước. Tầng lớp F0 cũng đa lĩnh vực hơn khi đến từ nhiều ngành nghề. Mặt khác, thông tin thị trường tốt hơn, minh bạch hơn, nên có những nhà đầu tư mới mang một lượng tiền lớn đổ vào thị trường.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/f0-len-tieng-post288636.html
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững