Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/1: Đáy của thị trường ở quanh đây
Phiên giao dịch ngày 18/1 vẫn là ngày dài và buồn với nhiều nhà đầu tư khi số mã giảm sàn cả 3 thị trường vẫn trên 150 cổ phiếu. Nhưng tổng thể thị trường đang phát đi các dấu hiệu tích cực hơn.
Thị trường phiên hôm nay tạo một cây nến “ngừng bán” với giá mở cửa và đóng cửa gần như bằng nhau đã phát đi tín hiệu cho thấy, đáy ngắn hạn của đợt giảm này của thị trường đang rất gần quanh đây.
Về mặt kỹ thuật, phiên hôm nay được cho là có diễn biến tích cực khi VN-Index chạm vùng hỗ trợ mạnh 1.400-1.425 đã bật tăng trở lại khá tốt, đây là vùng hỗ trợ được tạo bởi đỉnh tháng 7/2021 và đáy tháng 12/2021 của thị trường nên có độ tin cậy cao.
Nhiều chỉ báo kỹ thuật khác vẫn trong trạng thái tiêu cực, tuy nhiên chỉ số về khối lượng giảm đột ngột chỉ còn gần 23.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên HOSE cho thấy lực bán ra đang cạn dần. Tất nhiên chỉ số khối lượng này cần phải tính toán kỹ hơn vì có tới 90 mã sàn này chốt phiên ở mức giá sàn, nhiều cổ phiếu tắc thanh khoản khiến nhà đầu tư không bán được.
Nhưng dù vậy, một phiên giảm bán tháo đã là một tín hiệu tốt trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Thị trường xấu nhưng đang có thêm các tín hiệu tích cực. Đầu tiên vẫn phải kể đến dòng ngân hàng, các mã nhóm này do hầu hết giao dịch ở vùng giá thấp trong 6 tháng nay nên tránh được hiệu ứng “tuyết lở” của nhóm bất động sản, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng hầu hết là nhà đầu tư trung dài hạn và tỷ lệ sử dụng margin thấp hơn các nhóm ngành khác.
Nếu như các phiên trong tuần trước, còn đâu đó sự hoài nghi tình trạng “kéo trụ” là nhóm ngân hàng để xả nhóm khác thì diễn biến ổn định của nhóm ngân hàng cho thấy có nhiều nhà đầu tư đang cơ cấu danh mục sang nhóm cổ phiếu cơ bản này, chứ không hẳn là kéo trụ thuần túy.
Điểm sáng tiếp theo năm ở nhóm dầu khí, giá dầu tăng và dự báo còn tăng là bệ đỡ rất tốt cho các mã ở nhóm này. Đà tăng của nhóm dầu khí mới chỉ bắt đầu nên nhà đầu tư có thể hy vọng nhóm này sẽ cùng với nhóm ngân hàng tiếp tục làm trụ đỡ cho thị trường các phiên tiếp theo.
Gần với nhóm dầu khí thì cổ phiếu nhóm đạm hôm nay bật tăng rực rỡ khi DPM và DCM đều chốt phiên ở giá trần. Với nhóm đạm thì chưa nói được nhiều điều sau phiên hôm nay vì đây là nhóm bị bán tháo khá sớm suốt 1 tháng nay, nên phiên hồi phục hôm nay cũng giống thị trường chung là chỉ mới phát tín hiệu về đà rơi đã được hãm.
Có một chút tiếc nuối với cổ phiếu MSN phiên chiều nay, diễn biến đặc biệt kịch tích khi một loạt lệnh nhanh và dứt khoát ở cuối phiên kéo giá cổ phiếu này từ màu đỏ chuyển sang màu tím chỉ trong vòng 4 phút. Tuy nhiên sau đó, MSN không giữ được phong độ khi chốt phiên ở mức giá gần tham chiếu. Nếu MSN giữ được sắc tím thì có thể giúp VN-Index bật tăng tốt hơn nữa.
Phiên chiều nay, một số room đã bắt đầu đưa ra khuyến nghị mua vào với tỷ lệ thận trọng 30% cho nhóm ngân hàng, dầu khí. Khi dòng tiền còn ở thị trường thì hy vọng rằng, những phiên giao dịch đáng quên hơn tuần qua sẽ được quên nhanh.
Chốt phiên, sàn HOSE có 135 mã tăng và 339 mã giảm (90 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,90 điểm (-0,96%), xuống 1.438,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 739,2 triệu đơn vị, giá trị 22.963,2 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,2 triệu đơn vị, giá trị 1.907,5 tỷ đồng.
Dòng bank vẫn là trụ cột chính giúp thị trường không rơi sâu hơn, với những cổ phiếu như STB +4% lên 33.900 đồng, BID +2,9% lên 44.900 đồng, HDB +1,9% lên 29.550 đồng, VCB +1,6% lên 100.000 đồng, MBB +1,4% lên 29.900 đồng. Các mã khác ngoài CTG giảm nhẹ 1,3% và TPB -3,2% thì cũng đều tăng.
Trong đó, STB có sức hút lớn nhất khi khớp lệnh hơn 39,6 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
Đáng kể, một số cổ phiếu lớn bứt lên góp sức như VJC +3,3% lên 124.500 đồng, GAS +2,3% lên 107.000 đồng, PDR +1,7% lên 88.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu POW và SSI giảm mạnh nhất trong rổ VN30, thậm chí đã có thời điểm cùng giảm sàn, trước khi đóng cửa giảm lần lượt 6,7% và 6,6%.
Bên cạnh đó là GVR, khi giảm về gần mức giá sàn, -6,5% xuống 31.100 đồng, VHM -2,7% xuống 77.000 đồng, BVH -2,1% xuống 51.600 đồng, cùng sắc đỏ khác tại VIC, PNJ, FPT, HPG.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực bán vẫn rất lớn, khi số lượng cổ phiếu đã về mức giá sàn đếm không xuể, trong đó, đáng kể như GEX, ITA, HQC, DLG, TCH, DXG, LCG, SBT, JVC, BCG, KSB, ASM, TDH, SAM, QBS…khớp lệnh từ 2 triệu đến 22,9 triệu đơn vị.
Họ nhà FLC tương tự, khi giảm hết biên độ với khối lượng dư bán giá sàn tại FLC là hơn 46 triệu đơn vị, ROS dư bán hơn 74,5 triệu đơn vị, AMD dư bán hơn 18,6 triệu đơn vị, HAI dư bán hơn 14,2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, sau phiên sáng cho dấu hiệu hãm đà rơi thì phiên chiều lại bị bán mạnh và khiến VND, VIX, VCI, AGR, CTS, APG, TVB, BSI, FTS đều giảm sàn.
Còn lại cũng giảm rất mạnh như HCM -4,9% xuống 36.900 đồng, TVS -6,1% xuống 39.850 đồng, VDS may mắn chỉ còn giảm nhẹ 0,9% và ORS là hiện tượng duy nhất đi ngược chiều thị trường, tăng 0,9% lên 22.400 đồng.
Điểm tích cực ở cặp đôi ngành phân bón là DCM và DPM, khi vọt lên mức giá trần tại 29.100 đồng và 41.900 đồng, khớp 4,74 triệu và 4,2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, AGM cũng vọt lên giá trần tại 32.000 đồng, khớp lệnh có hơn 1,62 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí tương tự phiên sáng, khi một số tăng khá tốt với PVD +5,6% lên 33.800 đồng, PXS +5,1% lên 11.350 đồng, PET +2,8% lên 36.100 đồng,
Các cổ phiếu DHG, CSV, CVT, THI, PLP cũng là những điểm sáng hiếm hoi, tăng từ 2,9% đến 3,6%.
Trên sàn HNX, diễn biến không có nhiều thay đổi so với cuối phiên sáng, khi HNX-Index vẫn chỉ bò ngang quanh mức đáy và đóng cửa giảm tới hơn 5,4%.
Đóng cửa, sàn HNX có 48 mã tăng và 197 mã giảm (59 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 24,13 điểm (-5,42%), xuống 421,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,1 triệu đơn vị, giá trị 2.332,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,27 triệu đơn vị, giá trị 156 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn, bé đua nhau giảm sàn như THD, L14, IPA, CEO, IDJ, MBG, PVL, TTH, LIG, BII, KVC, S99, ITQ, BCC, HHG…khớp từ 0,84 triệu đến hơn 7, 1triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng lao dốc với ART, APS, VIG, HBS, WSS cũng đều giảm sàn, còn SHS -7,9% xuống 39.400 đồng, BVS -4,2% xuống 34.100 đồng, MBS -5,1% xuống 31.700 đồng, IVS -7,3% xuống 12.700 đồng.
Sắc đỏ khác còn bao phủ AMV, TVC, DL1, PVC, NDN, TAR, LAS, SRA, với mức giảm cũng rất mạnh, từ 2,7% đến gần 9%.
Tương tự phiên sáng, cổ phiếu PVS là điểm nhấn nhờ ảnh hưởng tích cực chung từ nhóm dầu khí, tăng 3,2% lên 28.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 11,88 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index bật lên sau giờ nghỉ trưa, nhưng cũng nhanh chóng quay trở lại xu hướng giảm, tạo đáy trước khi thêm một nhịp nảy nhẹ về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,89 điểm (-1,73%), xuống 107,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,9 triệu đơn vị, giá trị 1.403,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 502,2 tỷ đồng, với phần lớn là hơn 16,6 triệu cổ phiếu SGB, trị giá 337,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, OIL, DDV, PFL là sắc xanh còn lại, trong đó, OIL +2,6% lên 19.800 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Các mã giảm mạnh nhất là G36, KHB, CDO, SDD, SDP khi cùng giảm sàn. Các cổ phiếu SBS -13,2%, TVN -9,7%, NED -9,6%, TCI -9,2%, BVB -8,5%...
Phiên này, BSR có khối lượng khớp lệnh cao nhất với 9,6 triệu đơn vị, nhưng cổ phiếu giảm 0,4% xuống 23.500 đồng.
Trên thị trường phái sinh, VN30F2201 đáo hạn gần nhất là mã duy nhất giữ được sắc xanh, tăng 2,5 điểm (+0,17%), lên 1.482,5 điểm, khớp lệnh hơn 172.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, với CVRE2112 thanh khoản cao nhất với 1,83 triệu đơn vị, mất 5,9% xuống 1.270 đồng/cq.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-18-1-day-cua-thi-truong-o-quanh-day-post289667.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại