Góp phần dịu bớt nỗi đau

Thứ hai, ngày 22 tháng 7 năm 2024 | 16:31

Tri ân những Anh hùng liệt sĩ - những “vì sao đất nước”, hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), gần 10 nghìn hội viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã và đang hằng ngày thực hiện các công việc nghĩa tình, tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ bằng những hành động thiết thực.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.

hoi-ho-tro.jpg

Lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao quà tặng các gia đình chính sách tại Lễ phát động Chiến dịch vận động ủng hộ tri ân liệt sĩ, tháng 7-2024.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về các hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam các cấp trong đợt cao điểm hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ?

- Với gần 10 nghìn hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, công tác tri ân liệt sĩ, thân nhân gia đình liệt sĩ là công việc thường trực. Trong giai đoạn cao điểm hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp Cổng thông tin nhân đạo quốc gia, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội phát động chương trình “Tri ân liệt sĩ” với chủ đề “Gọi tên những vì sao đất nước”. Chương trình đặt mục tiêu vận động đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp sức cho công tác tri ân, trả lại tên cho liệt sĩ, đưa các anh về quê nhà yêu thương, góp phần giảm bớt những ngôi mộ gió, làm cho danh sách 53 vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính ngắn lại, đồng thời, xóa bớt những ngôi nhà dột nát, giúp gia đình thân nhân liệt sĩ có nơi thờ cúng liệt sĩ khang trang hơn.

Trong tháng 7 này, Hội cũng đã thành lập đoàn công tác, tổ chức các hoạt động tri ân ở 11 tỉnh, thành phố, trao tặng các phần quà cho thân nhân liệt sĩ với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng; tặng 7 căn nhà tình nghĩa; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 4.000 người. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình tri ân mang tên “Sống mãi với non sông”, dự kiến tặng 3 căn nhà tình nghĩa, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trao kết quả giám định ADN cho 4 gia đình liệt sĩ...

- Về chương trình “Tri ân liệt sĩ”, có thể nói đây là hoạt động thường niên nổi bật của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam qua các năm, thưa ông?

- Đây thực sự là một hoạt động rất hiệu quả, không chỉ góp phần tạo nguồn lực đáng kể cho công tác tri ân, mà thông qua sự vào cuộc của cộng đồng, chương trình đã góp phần giáo dục truyền thống, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lan tỏa tinh thần "đền ơn đáp nghĩa" trong xã hội. Riêng trong năm 2023, với mỗi tin nhắn theo cú pháp TALS gửi tổng đài 1405 tương đương khoản ủng hộ 20.000 đồng, chương trình “Tri ân liệt sĩ” đã thu được hơn 3,1 tỷ đồng. Với số tiền này, Hội đã làm được 19 căn nhà tình nghĩa; giám định ADN cho 33 liệt sĩ, trả lại đúng tên cho 2 liệt sĩ; tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho 1.100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân, gia đình liệt sĩ; di chuyển được 103 hài cốt liệt sĩ về với quê nhà…

Đáng lưu ý, ở kỳ phát động năm 2024, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (tổng đài 1400) đang dừng triển khai hình thức nhắn tin vì liên quan đến Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ 1-7-2024. Vì vậy, chương trình “Tri ân liệt sĩ” năm nay có chút thay đổi. Cụ thể, từ nay đến ngày 30-8-2024, chúng tôi sẽ tập trung vận động các tập thể, cá nhân chuyển khoản số tiền ủng hộ vào tài khoản thiện nguyện 2707 - Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội. Tính đến chiều 19-7, số tiền ủng hộ từ chương trình đã đạt hơn 192 triệu đồng.

- Được thành lập từ năm 2010, gần 14 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tạo dấu ấn ra sao trong hành trình tri ân “những vì sao đất nước”, thưa ông?

- Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập xuất phát từ mong muốn của trái tim người lính, từ nghĩa tình đồng đội từ thời trận mạc “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”, từ nguyện vọng thực hiện lời thề “Người đang sống đưa người đã chết trở về”. Gần 14 năm qua, Hội đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ; lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ; tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; tư vấn, hỗ trợ cho 33.000 gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 200 gia đình tìm được bằng phương pháp thực chứng… Chúng tôi cũng đã đính chính thông tin trên bia mộ và di chuyển hơn 1.300 hài cốt liệt sĩ về với quê nhà, tặng hơn 1.300 căn nhà tình nghĩa (trị giá từ 60-80 triệu đồng/căn). Thông qua hoạt động của các cấp hội, tổng kinh phí được cả nước chung tay góp sức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ đạt hơn 170 tỷ đồng...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa được xác minh danh tính. Trong đó, hơn 18 vạn liệt sĩ đang nằm lại các chiến trường ác liệt năm xưa ở cả Việt Nam - Lào - Campuchia. Hiện nay, các cựu chiến binh, cha mẹ, anh em của liệt sĩ ngày càng lớn tuổi, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xác minh danh tính liệt sĩ thông qua phương pháp thực chứng và giám định ADN. Chi phí để giám định không nhỏ, vì vậy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương, Tập đoàn Sân golf Long Thành thực hiện các thủ tục xin thành lập Quỹ “Tìm lại tên cho đồng đội”, nhằm chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

- Trân trọng cảm ơn ông!