Luôn coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa
Là địa phương tiêu biểu trong công tác chăm sóc người có công, Hà Nội thường xuyên nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với người có công, góp phần giáo dục truyền thống.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông).
- Thưa ông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch số 3030/KH-BLĐTBXH ngày 12-7-2024 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Hà Nội đã có sự chuẩn bị như thế nào để triển khai nhiệm vụ quan trọng này?
- Năm 2024, các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đây cũng là năm Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chính vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ từ rất sớm, ngay từ ngày 5-3-2024, tại Kế hoạch số 74/KH-UBND; coi việc thực hiện nhiệm vụ này mang ý nghĩa thiết thực, gắn bó chặt chẽ với chuỗi chương trình hoạt động góp phần kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Nói cách khác, không phải đến dịp 27-7, chúng tôi mới tập trung thực hiện công tác tri ân, mà các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được triển khai thường xuyên, bền bỉ từ đầu năm đến nay, và thời gian tới chính là giai đoạn cao điểm. Mới nhất, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội vừa hoàn thành chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị, trao biển tượng trưng tặng tỉnh bạn 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; 15 tỷ đồng để xây dựng 150 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; trao 570 triệu đồng tặng quà người có công và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Trị…
- Tại Kế hoạch số 3030/KH-BLĐTBXH ngày 12-7-2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi. Với Hà Nội, ông có thể chia sẻ đôi điều về việc thực hiện các nội dung này?
- Công tác tri ân người có công và thân nhân các gia đình liệt sĩ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và luôn được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Tổng kinh phí 6 tháng đầu năm 2024 chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.252 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho gần 80.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.094 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 88 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng.
Xin nói thêm, công tác người có công là một nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực để gia đình có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú, hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở, xóa hộ nghèo có thành viên là người có công.
- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%) - mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua. Với Thủ đô, cùng với việc áp dụng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hà Nội có thêm chính sách đặc thù nào cho người có công, thưa ông?
- Là địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện công tác chăm sóc người có công, Hà Nội luôn có chính sách đặc thù để triển khai các hoạt động tri ân một cách hiệu quả và mang ý nghĩa thiết thực nhất. HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.
Hay Nghị quyết số 25/2022/NĐ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng chính sách, bao gồm người có công, nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7; Ngày Quốc khánh 2-9… Như dịp Tết Giáp Thìn 2024, Hà Nội đã tặng 328.444 suất quà tới người hưởng chính sách ưu đãi người có công với tổng số tiền gần 257 tỷ đồng; thăm, trao 150 suất quà dành tặng gia đình, cá nhân người có công tiêu biểu với tổng số tiền là 900 triệu đồng…
- Trân trọng cảm ơn ông!
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước