Nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 2/11/2024) về việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài (Pre-funding), mang lại nhiều kỳ vọng FTSE Russell sẽ sớm thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi.
Ước tính dòng tiền mới từ các quỹ ETF khi Việt Nam được nâng hạng sẽ đem lại tổng cộng 27 tỷ đồng phí môi giới mỗi năm. Ảnh tư liệu |
Thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ mô phỏng
Nhận định về triển vọng nâng hạng thị trường chứng (TTCK) khoán Việt Nam, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng Thông tư 68 với việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Vào ngày 8/10 tới đây FTSE sẽ công bố kết quả phân loại TTCK các nước. Tuy nhiên, còn quá sớm để Việt Nam được nâng hạng trong kỳ phân loại này do Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 2/11 và các công ty chứng khoán cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm giao dịch thiếu tiền trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để quyết định có nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam hay không.
Các chuyên gia của ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và sau khoảng 1 năm, việc nâng hạng chính thức có hiệu lực và các quỹ chỉ số ETF sẽ bắt đầu mua cổ phiếu Việt Nam.
Mặc dù tỷ trọng Việt Nam trong nhóm thị trường mới nổi thứ cấp không quá đáng kể do Trung Quốc và Ấn Độ có quy mô rất vượt trội so với các thị trường còn lại với tỷ trọng lần lượt 43,1% và 38,4%. Do đó, việc bắt đầu được phân loại vào nhóm thị trường mới nổi sẽ cải thiện đáng kể vị thế cũng như hình ảnh của TTCK Việt Nam, sẽ thu hút dòng vốn đầu tư từ các quỹ chủ động nước ngoài. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi là cột mốc đáng kể để TTCK Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7 - 0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500 - 600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động” - nhóm phân tích ACBS nhận định.
Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi
Theo các chuyên viên phân tích, hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp nhất là các công ty chứng khoán nhờ phí giao dịch đến từ dòng vốn của các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Ba công ty có thị phần giao dịch khách hàng tổ chức lớn nhất gồm SSI, HCM và VCI hưởng lợi nhờ phí giao dịch tăng thêm. Ước tính dòng tiền mới từ các quỹ ETF khi Việt Nam được nâng hạng sẽ đem lại tổng cộng 27 tỷ đồng phí môi giới mỗi năm, tương đương lần lượt 0,2%, 0,8% và 1,2% lợi nhuận trước thuế năm 2023 của SSI, HCM và VCI. Các quỹ chủ động có giá trị tài sản ròng (NAV) lớn hơn và tần suất giao dịch thường xuyên hơn sẽ đóng góp lợi nhuận lớn hơn cho các công ty chứng khoán.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng có tiềm năng được lọt vào danh mục nếu thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa có thể đầu tư, tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại và thanh khoản giao dịch tại thời điểm cơ cấu danh mục. Thực tế cho thấy ngay từ trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo ngược chính sách tiền tệ, áp lực bán từ khối ngoại đã suy yếu đáng kể, thậm chí khối ngoại đã quay trở lại mua ròng với giá trị tương đối lớn trong khoảng thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho biết sau khi Fed cắt giảm lãi suất 0,5% đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực như tỷ giá hạ nhiệt giúp tạo ra định giá hấp dẫn hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, việc ban hành Thông tư 68 của Bộ Tài chính sẽ giúp cải thiện tần suất mua bán của khối ngoại và sẽ là chìa khóa để giúp FTSE Russell nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm Thị trường mới nổi Thứ cấp.
Hiệu lực thực thi để các quỹ ETF chính thức thêm các cổ phiếu Việt Nam vào danh mục có thể ghi nhận trong năm 2025. Dù vậy, ông Minh cho rằng việc FTSE xem xét ngay trong tháng 10/2024 này hoặc tháng 3/2025 đều sẽ tạo ra kết quả tích cực lên thị trường. Nhà đầu tư kỳ vọng việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF khoảng 1,5 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Nói về những nhóm ngành được hưởng lợi trong trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạnh lên thị trường mới nổi, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nhóm tài chính sẽ là nhóm ngành được hưởng lợi bởi giá trị giao dịch tăng lên, thanh khoản thị trường tăng lên, các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn.
“Khi TTCK nâng hạng hình ảnh của Việt Nam, thị trường tài chính Việt Nam cũng sẽ được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn thì nhiều ngành nghề hưởng lợi, dòng vốn sẽ lan tỏa ra thị trường chứ không chỉ tập trung một số ngành” - ông Phương nói.
Thông tư 68 giúp cải thiện tần suất mua bán của khối ngoại Việc ban hành Thông tư 68 của Bộ Tài chính sẽ giúp cải thiện tần suất mua bán của khối ngoại và sẽ là chìa khóa để giúp FTSE Russell nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm Thị trường mới nổi Thứ cấp. Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
|
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại