Phiên giao dịch sáng 18/9: Dòng tiền tự tin nhập cuộc, VN-Index chinh phục mốc 1.270 điểm
Sau phiên tăng điểm mạnh nhất 1 tháng hôm qua (17/9), VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng mạnh sáng nay, chinh phục thành công mốc 1.270 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền đã tự tin hơn nhiều, giúp thanh khoản tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường lình xình trong suốt phiên sáng và đóng cửa ít thay đổi, nhưng bất ngờ đã xảy ra trong phiên giao dịch chiều.
Ngay trong những phút đầu của phiên chiều, lực mua bất ngờ chảy mạnh vào VHM kéo mã này tăng vọt, dù có thời điểm trong phiên có sắc đỏ. Hiệu ứng từ VHM đã lan sang một số mã bluechip khác, qua đó kéo VN-Index bứt tốc theo với mức tăng gần 20 điểm, mức tăng tốt nhất kể từ phiên 16/8.
VN-Index được kéo từ ngoài dải bollinger phía dưới lên chinh phục các ngưỡng cản ở đường M50 và MA100. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều khi nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng để chờ đợi thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương, đó là cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 17-18/9. Theo dự báo, nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, một thông tin tốt cho thị trường tài chính, chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sau 30 phút đầu phiên giằng co nhẹ do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn được duy trì, thị trường bắt đầu bứt tốc với sự dẫn dắt của VHM, sau đó kéo theo nhiều mã bluechip khác nhập cuộc. VN-Index nhẹ nhàng vượt qua các ngưỡng cản MA50, MA100, MA20, chinh phục thành công ngưỡng cản 1.270 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 12,02 điểm (+0,95%), lên 1.270,97 điểm với 272 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ là 85 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 386,7 triệu đơn vị, giá trị 9.457,3 tỷ đồng, tăng 74,5% về khối lượng và 96,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,4 triệu đơn vị, giá trị 1.718,7 tỷ đồng.
Trên bảng điện tử, sau khi lĩnh ấn tiên phong dẫn dắt đà tăng của thị trường hôm qua và nửa đầu phiên sáng nay, VHM bắt đầu có dấu hiệu “mệt mỏi” và lùi lại phía sau. Thay vào đó, hàng loạt mã bluechip khác bứt tốc vượt lên, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Trong đó, tăng mạnh nhất nhóm VN30 cũng như nhóm ngân hàng là CTG với 3,58% lên 36.200 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị. Tiếp đó là STB tăng 1,68% lên 30.350 đồng, khớp 5,5 triệu đơn vị; SSB tăng 1,62% lên 15.700 đồng, khớp 0,37 triệu đơn vị; VCB tăng 1,44% lên 91.800 đồng, khớp hơn 0,9 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có TCB tăng 1,32% lên 23.050 đồng, BID tăng 1,13% lên 49.250 đồng; các mã TPB, MBB, VIB, EIB, OCB, ACB và VPB tăng nhẹ. Trong khi đó, chỉ có 3 mã giảm nhẹ là LPB, SHB và NAB, cùng HDB, MSB đứng tham chiếu.
Nhóm chứng khoán cũng đã được nhuộm xanh toàn bộ, trong đó HCM là mã tăng mạnh nhất 5,86% lên 30.700 đồng, khớp cao nhất sàn 16,46 triệu đơn vị; tiếp đến là VDS tăng 4,65% lên 21.400 đồng, SSI tăng 3,06% lên 33.700 đồng (đứng thứ 2 trong rổ VN30 sau CTG); BSI, ORS, CTS, FTS, TVB, VND, APG từ 2% trở lên.
Ngoài nhóm ngân hàng và chứng khoán, VN-Index còn được hỗ trợ bởi nhiều mã bluechip khác như FPT tăng 1,43% lên 134.800 đồng, VHM dù lùi về phía sau nhưng cũng duy trì đà tăng 1,36% lên 44.600 đồng, khớp 6,9 triệu đơn vị, GVR tăng 1,26% lên 36.050 đồng, MWG tăng 1,05% lên 67.500 đồng, MSN tăng 0,94% lên 75.200 đồng…
Tuy nhiên, tăng giá ấn tượng nhất là CTR của Công trình Viettel khi tăng kịch trần lên 133.300 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị sau thông tin chia cổ tức 27,2%.
Bên cạnh đó, IMP cũng lên kịch trần 53.200 đồng và đang còn dư mua trần, dù thanh khoản khiêm tốn hơn, chỉ hơn 0,3 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã có thị giá cao trên, còn có một số mã penny tăng kịch trần, đáng kể có FIT lên 4.460 đồng, khớp hơn 1,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn. Cùng với đó, người anh em TSC cũng có sắc tím 2.970 đồng, khớp hơn 0,8 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, AGM tiếp tục có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 4.520 đồng, nhưng thanh khoản rất khiêm tốn do không có lực cung bán ra.
Dù có nhiều pha rung lắc hơn VN-Index, nhưng HNX-Index cũng có được mức tăng khá trong phiên sáng nay.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,19 điểm (+0,51%), lên 233,49 điểm với 69 mã tăng và 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,7 triệu đơn vị, giá trị 550,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 46,8 tỷ đồng.
Hai mã có thanh khoản tốt nhất HNX sáng nay là các mã chứng khoán, trong đó SHS khớp 7,39 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,33% lên 15.500 đồng, tiếp đó là MBS khớp 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,64% lên 28.500 đồng. Ngoài ra, có thêm 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CEO, TIG và VFS, trong đó CEO và TIG đứng giá, còn VFS tăng 3,76% lên 13.800 đồng.
Trong khi đó, UPCoM lại không được thuận lợi như 2 sàn niêm yết, dù có khởi đầu tốt hơn. Chỉ số chính của thị trường này quay đầu giảm vào ít phút cuối phiên, có lúc xuống dưới tham chiếu và chỉ may mắn mới giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 93,14 điểm với 175 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22 triệu đơn vị, giá trị 235 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Chuyển sang UPCoM, HNG thay thế BSR trở thành “vua” thanh khoản với khối lượng khớp sáng nay đạt 12,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,17% lên 4.700 đồng. Trong khi mã đứng thứ 2 là BCR khớp 5,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 5.200 đồng. Một tân binh khác từ HOSE chuyển sang theo HNG là HBC khớp 2,7 triệu đơn vị, đứng tham chiếu 5.700 đồng. Đứng trên HBC là DFF với 2,86 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 2.700 đồng. Trong khi đó, BSR chỉ có được vị trí thứ 5 về thanh khoản với 1,74 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,85% lên 23.600 đồng. Một cổ phiếu họ Viettel tăng mạnh nữa là VGI với mức tăng 9,76% lên 67.500 đồng, khớp 1,52 triệu đơn vị.
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại