Thành phố Hồ Chí Minh có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành “Mục tiêu 95” gồm có 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút.
Đoàn xe diễu hành nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS. Ảnh Thanh Sang
Ngày 30-11, tại Trung tâm Y tế quận 8, UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế thành phố tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Theo Báo cáo của Sở Y tế thành phố, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1-12-1990, đến cuối tháng 9-2024, thành phố có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV.
Trong hơn 30 năm qua, thành phố đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi; truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV; mở rộng, nâng cao, và đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS…
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành “Mục tiêu 95” gồm có 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Đồng thời nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới không còn người nhiễm HIV mới, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyến sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tính đến cuối tháng 9-2024, với mục tiêu thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ), thành phố đạt 93,5%, mục tiêu thứ hai (95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục), thành phố đạt 92,8%, và mục tiêu thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định) đạt 98%.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh Thanh Sang
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm.
“Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ bị cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua, cũng như hoàn thành “Mục tiêu 95 - 95 - 95” vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với thànhphố”, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, trước những khó khăn, thách thức này, thành phố luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố tiếp tục giải pháp nhằm duy trì bền vững hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Cùng ngày, đoàn xe của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã diễu hành tại các địa bàn trên toàn thành phố nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS.
- Hai dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi khác với nhiệt miệng
- Lo ngại dịch sởi, cúm diễn biến phức tạp
- Phát hiện ung thư từ mụn đầu đen nhỏ xíu
- Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?