Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh |
Sự kiện mong đợi nhất trong năm
Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ diễn ra ngày 18/9 tới có thể là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm trên thị trường tài chính quốc tế, bởi động thái đã được kỳ vọng từ rất lâu về việc cơ quan này sẽ hạ lãi suất có thể sẽ thành hiện thực.
Nếu FED giảm lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra, thì đây sẽ là lần giảm lãi suất đầu tiên sau một giai đoạn neo lãi suất ở mức cao (5,25% - 5,5%) trong suốt hơn 1 năm qua kể từ tháng 7/2023. Động thái này được thị trường tài chính trông đợi bởi trước đó, có rất nhiều lần thị trường đồn đoán FED sẽ giảm lãi suất trong các cuộc họp trước, nhưng cơ quan điều hành thị trường tiền tệ Mỹ cho đến nay vẫn còn án binh bất động.
Xuất khẩu phục hồi thúc đẩy sản xuất tăng trưởng Một báo cáo của Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho biết, nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm 2024. Điều này đã thúc đẩy hoạt động sản xuất tăng trưởng... |
Tuy nhiên, khả năng FED giảm lãi suất lần này đã có vẻ chắc chắn hơn nhiều so với các cuộc họp trước bởi nhiều yếu tố vĩ mô đang hậu thuẫn cho việc này. Về xác suất hạ lãi suất sau cuộc họp tháng 9, công cụ FEDWatch tại thời điểm sáng ngày 10/9 ghi nhận khả năng 71% FED sẽ hạ lãi suất xuống mức 5 – 5,25% (so với mức 5,25 – 5,5% hiện nay) và có 29% khả năng cơ quan này hạ lãi suất xuống mức 4,75 – 5%.
Về các mối liên quan, động thái cắt giảm lãi suất của FED luôn có những tác động đến nền kinh tế Mỹ và ngược lại. Theo lý thuyết kinh tế cơ bản thì thông thường, thị trường tài sản sẽ tăng giá khi lãi suất giảm, nhưng các dữ liệu kinh tế cho thấy không phải việc này cũng đúng trong thực tế. Vừa qua, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup có một bài viết trên Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam với chủ đề: Tại sao khi FED hạ lãi suất thì thị trường chứng khoán “băng hà”, để nói về câu chuyện FED hạ lãi suất thường đi theo diễn biến giảm giá chứng khoán trong ngắn hạn.
Yếu tố nghịch lý này được giải thích bởi một trong những lý do, là thường khi FED đi đến quyết định hạ lãi suất do xuất hiện các yếu tố yếu đi của nền kinh tế. Riêng với bối cảnh hiện tại, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, các nhà tuyển dụng tại nước này đã bổ sung thêm khoảng 142.000 việc làm trong tháng 8/2024, thấp hơn so với mức dự báo 160.000 việc làm mà các chuyên gia đưa ra. Tuy nhiên, ông Báu cũng cho rằng, sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ hiện nay cũng khiến các chỉ số dự báo truyền thống – trong đó có dữ liệu thị trường lao động – giờ cũng đã kém hiệu quả hơn trước.
Trong khi đó về mặt dài hạn, theo báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Mỹ Charles Schwab - trong số 14 chu kỳ lãi suất của FED kể từ năm 1929 thì có đến 12 đợt cắt giảm ghi nhận chỉ số S&P 500 tăng trong vòng 12 tháng sau đó.
Mối liên hệ với Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các biến động kinh tế và tài chính tại Mỹ đương nhiên sẽ có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh và thị trường tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết, FED giảm lãi suất khi họ thấy nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, điều đó xảy ra cũng đồng nghĩa là tổng cầu của nền kinh tế Mỹ sụt giảm, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, một báo cáo mới đây của Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho biết, nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm 2024. Điều này thúc đẩy hoạt động sản xuất tăng từ mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2023 lên mức dự kiến 10% trong năm 2024 (sản xuất tăng 9,5% trong 7 tháng năm 2024).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Dollar General, một nhà bán lẻ hàng đầu nhắm vào đối tượng người tiêu dùng thu nhập thấp tại Mỹ thì tiêu dùng của những người có thu nhập trung bình thấp gần đây đã bắt đầu sụt giảm. Dựa vào các thông tin này, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho rằng, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ chững lại (nhưng không giảm mạnh) vào đầu năm 2025.
Ngoài ra, các tác động đến giá trị đồng Đô la Mỹ cũng là yếu tố đáng chú ý liên quan đến các hành động của FED. Thực tế, ngay khi giới tài chính đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 9 thì giá đồng Đô la Mỹ đã yếu đi đáng kể. Trên thị trường tiền tệ quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ đã giảm về mức chỉ còn hơn 101 điểm, thấp hơn khá nhiều so với mức đỉnh hơn 106 điểm hồi tháng 6/2024. Về ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của Việt Nam, theo ông Michael Kokalari, đồng USD yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài Mỹ./.