Thị trường trái phiếu phát triển bất đối xứng, nhà đầu tư gánh rủi ro
Tuần này, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ đưa vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2 ra xét xử. Ngoài sai phạm của doanh nghiệp phát hành, vụ án cũng thêm một hồi chuông cảnh báo về sự phát triển bất đối xứng đang diễn ra trên thị trường trái phiếu.
Thị trường bị áp đảo bởi trái phiếu phát hành riêng lẻ, thiếu vắng trái phiếu phát hành ra công chúng
Trái phiếu phát hành ra công chúng èo uột, nhà đầu tư thiếu lựa chọn
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu ra công chúng chỉ chiếm tỷ lệ 9,55%, còn lại hơn 90% là trái phiếu riêng lẻ. Thị trường bị áp đảo bởi trái phiếu phát hành riêng lẻ, thiếu vắng trái phiếu phát hành ra công chúng, trong khi đa phần nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích về các mã trái phiếu.
Sự phát triển bất cân xứng đang gây ra nhiều rủi ro thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thiệt hại của những vụ việc sai phạm xảy ra trên thị trường thời gian qua đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế.
Liên tiếp vụ việc sai phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đã gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Để cải thiện tình trạng này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh trái phiếu phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng khá phức tạp, thời gian dài, làm nản lòng doanh nghiệp phát hành. Do đó, nếu không cải cách thủ tục pháp lý với phát hành ra công chúng, thị trường trái phiếu sẽ tắc nghẽn.
“Theo tôi được biết, hiện hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng còn tồn đọng rất nhiều. Điều này một phần xuất phát từ số lượng nhân sự cơ quan quản lý còn hạn chế, một phần do thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng còn phức tạp”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Về vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tán thành quan điểm cần tập trung thúc đẩy chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết. Tuy vậy, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc đẩy nhanh phát hành trái phiếu ra công chúng không chỉ phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của chủ thể trên thị trường.
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sửa các quy định của pháp luật để rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ. Giải pháp đưa ra là nâng cao chất lượng hồ sơ, tăng sự hiện diện của các tổ chức tư vấn, tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành khi lập hồ sơ. Để rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ và tăng chất lượng sản phẩm, thì chỉ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không làm được, cần có đóng góp của mọi chủ thể tham gia”, ông Hoàng Văn Thu cho biết.
Chỉ nhà đầu tư tổ chức mới nên đầu tư trái phiếu riêng lẻ
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ các nhà đầu tư tổ chức đủ năng lực phân tích, dự báo và quản trị rủi ro mới nên đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cá nhân chỉ nên đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng hoặc lựa chọn đầu tư vào các quỹ trái phiếu.
Thực tế, hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… đầu tư vào trái phiếu mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong 8 tháng đầu năm nay, ngân hàng vẫn “một mình một chợ” trên thị trường trái phiếu - kể cả phía phát hành lẫn phía bên mua - cho thấy niềm tin thị trường vẫn chưa quay lại.
“Lượng trái phiếu phát hành tăng, song chủ yếu là trái phiếu ngân hàng. Ngân hàng cũng là bên mua chính (63,2%), cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa hồi phục, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà còn nhà đầu tư tổ chức”, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, tính thanh khoản thấp làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Quốc hội đã cho phép và Bộ Tài chính đang trình sửa 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Sắp tới, sẽ có những quy định hướng nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua các quỹ, nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường hoạt động các quỹ, hoặc có thể cho mở thêm các quỹ để tăng cường tính chuyên nghiệp.
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại